Miền đất ấy, gọi về!

09:12 | 25/05/2024 In bài biết

Trung du được mặc định là vùng đất bán sơn địa với những quả đồi lúp xúp sim mua; những thửa ruộng dưới chân đồi chiêm mùa hai vụ tốt tươi. Nói đến trung du, người ta nghĩ ngay tới những làng quê cận kề Hà Nội, xanh mát vô cùng, và cũng thơ mộng vô cùng.

Trung du

Ba mươi năm

Dần xa mãi Trung du,

Xa tiếng gầu va thành giếng cạn,

Xa tiếng gió toả hương chè, hương trẩu,

Cây trám quạnh hưu lặng lẽ bên trời…

Về lại ngẫu nhiên thời sơ tán cũ

Vẫn nắng ôm cây, vẫn gió ôm đồi

Bóng cây thị có gì như cổ tích

Thị rụng bị bà chăng? Bà mất đã lâu rồi!

Cây trám của ngày nao,

giờ ngỡ cây trám dại

Hẳn trách ta quên bẵng vị thơm bùi

Quên lối sỏi mùa Thu,

hoa tóc tiên lốm đốm…

Thời ấy quá chừng nghèo

Mà sao quá chừng vui!

Xin tạ lỗi cùng cây, cùng cảnh cũ

Đất đá ong khô rắn của đời ta…

Dẫu đi suốt nửa đời trên trái đất

Chẳng mất được trung du,

đắng đót vị quê nhà!

Bằng Việt

Khổ thơ mở đầu là hình ảnh rất đặc trưng của trung du. Ở đây, hình ảnh và âm thanh quyện vào nhau, làm nên “chất” trung du từ tiếng gầu va thành giếng cạn, rồi tiếng gió toả hương chè, hương trẩu, đích thị là của trung du, không lẫn vào đâu được. Mấy câu thơ trên làm, người đọc muốn bay về nơi ấy để hưởng cái không khí trong lành.

Nhà thơ Bằng Việt chọn thể thơ tự do để biểu đạt cảm xúc khi viết về vùng đất này. Ngày chiến tranh, cũng như nhiều người khác của Hà Nội, ông theo gia đình sơ tán ra miền trung du. Chính mảnh đất nên thơ, con người tình cảm, đã che chở, cưu mang ông - một người con Hà Nội.

Chuyến về lại trung du của nhà thơ không hề định trước. Đã 30 năm chưa trở lại, miền quê trung du vẫn chưa thay đổi nhiều. Có chăng, nhiều thế hệ con trai, con gái lớn lên, yêu nhau, thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái. Còn người già thì lại già thêm. Câu thơ thoảng chút buồn: Vẫn nắng ôm cây, vẫn gió ôm đồi/ Bóng cây thị có gì như cổ tích/ Thị rụng bị bà chăng? Bà mất đã lâu rồi!

Có lẽ vì cuộc mưu sinh, không chỉ có nhà thơ mà nhiều người khác đều phải bươn chải nhọc nhằn. Hình như có lúc tác giả (và nhiều người nữa) quên mất trung du - nơi mình từng sống với bao nhiêu kỉ niệm. Tuy không lấy gì làm to tát, nhưng củ sắn, củ khoai, quả trám thơm bùi, ấm nước chè xanh…, đã thấm vào máu tác giả và nhiều người Hà Nội.

Trung du những năm tháng ấy còn nghèo lắm. Nhưng người dân chỉ nghèo về vật chất, còn tấm lòng thì lúc nào cũng ngát thơm như hương chè, hương bưởi: Thời ấy quá chừng nghèo/Mà sao quá chừng vui!

Từ bao đời nay, người Việt luôn sống có trước có sau. Nét đẹp văn hoá ấy được gìn giữ từ đời này qua đời khác. Trung du xanh thắm, ân tình như thế ai nỡ đành quên. Nếu có chỉ là thoáng qua: Xin tạ lỗi cùng cây, cùng cảnh cũ/ Đất đá ong khô rắn của đời ta…

Không quên kỉ niệm, càng không được quên tấm lòng người trung du từng chở che, cưu mang lúc chiến tranh giặc giã. Vì thế mà trong tiềm thức, hình như mảnh đất, con người trung du nhắc, nhớ gọi nhà thơ trở về: Dẫu đi suốt nửa đời trên trái đất/ Chẳng mất được trung du, đắng đót vị quê nhà!

Nhà thơ Bằng Việt viết “Trung du” khi đến thăm trang trại của nhạc sĩ Dương Thụ. Nhìn thấy những hình ảnh gợi nhớ, tác giả đã viết những câu thơ trữ tình, tài hoa. Thế nên vùng đất trung du với bao kỉ niệm theo tác giả đi suốt nửa đời trên trái đất hiện lên sống động. Vì thế nên “Trung du” của nhà thơ Bằng Việt đã “ghi điểm” trong lòng bạn đọc.

Đình Phượng

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Trần Duy Phương

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/mien-dat-ay-goi-ve-52680.html