11:01 | 16/04/2024 In bài biết
Nhận thấy điều kiện của địa phương và gia đình có lợi thế về nuôi lợn rừng, năm 2016, ông Nguyễn Tài Kỳ, nguyên sĩ quan quân đội, hội viên Hội NCT, hiện ở thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, quyết định nuôi lợn rừng; với mong muốn tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế gia đình.
Tận dụng diện tích hơn 2ha đất vườn sẵn có, ông đã đầu tư xây tường bao quanh, rào thép gai để làm chuồng và nuôi theo kiểu bán tự nhiên. Ban đầu ông đầu tư mua 2 con lợn nái rừng về nuôi. Sau 1 năm nuôi lợn rừng, năm 2017, gia đình ông xuất được 2 lứa, trừ các chi phí còn lãi 60 triệu đồng. Do nuôi lợn rừng hiệu quả nên số lượng đàn lợn rừng của gia đình tăng dần qua từng năm. Hiện đàn lợn rừng của gia đình có 97 con, trong đó có 5 con nái, 1 con đực giống, 37 lợn con từ 5 đến 12kg.
![]() |
Ông Nguyễn Tài Kỳ đang chăm sóc đàn lợn |
Ông Kỳ chia sẻ: “Lợn rừng dễ nuôi, sức đề kháng tốt, thịt thơm ngon, ít mỡ, nhiều nạc, giá trị dinh dưỡng cao. Trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, tạo môi trường thông thoáng để đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt”.
Theo ông Kỳ, sau thời gian nuôi từ 5 đến 6 tháng, mỗi con đạt trọng lượng trung bình từ 10 đến 12 kg. Mỗi năm lợn nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ 7 đến 9 con. Ông chia ra một khu vực cho lợn sinh sản riêng để bảo vệ đàn lợn con còn non nớt khi mới sinh và theo cỡ tuổi. Giá thị trường hiện nay 160.000 đồng/kg thịt lợn hơi.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn rừng, ông Kỳ cho biết: “Lợn rừng rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, thức ăn rất đa dạng như các loại rau, củ, quả, thức ăn thừa, cây chuối, ngô, sắn, xơ mít… Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, cũng gặp không ít khó khăn như do tập tính hoang dã lợn rừng thường xuyên đào đất để đi ra ngoài, vì vậy phải xây tường bao quanh khá kiên cố. Ngoài ra, đây là loài hung dữ khi sống trong môi trường tự nhiên, chúng có thể tấn công người nuôi bất cứ lúc nào, nhất là lúc đẻ nên cần phải thận trọng trong quá trình chăm sóc cũng như cho lợn ăn”.
Ngoài nuôi lợn, ông Kỳ còn trồng cây keo, để che mát cho lợn vào mùa Hè; đào ao nuôi cá trê lai, cá lóc và rùa, gà, vịt. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng. Như dịp Tết Quý Mão 2023, ông bán ra thị trường 57 con, thu lãi trên 100 triệu đồng.
Tại địa phương, gia đình ông là hộ duy nhất thực hiện mô hình nuôi lợn rừng và lợn lai đen, kết hợp nuôi cá, gà, vịt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình mới, vốn đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện của các hộ dân trong xã rất cần được nhân rộng.
Nguyễn Huy Hoàng
TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE
Hội Người cao tuổi Việt Nam
Tổng biên tập: Lê Quang
Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.
Liên hệ: Tòa soạn
Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/mo-hinh-nuoi-lon-rung-cua-gia-dinh-ong-nguyen-tai-ky-51691.html