Tấm lòng của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đối với người có công

15:20 | 09/04/2024 In bài biết

Nhà tôi ở gần nhà công vụ của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nên biết được rất nhiều người trong khu dân cư đàm đạo về một nữ cán bộ lãnh đạo thật xứng đáng là công bộc của Dân, như lời Bác Hồ từng căn dặn, dạy bảo.

Lúc ban đầu, khi đồng chí Trương Thị Mai mới nhận trọng trách Thường trực Ban Bí thư thì không ít người lo lắng với sức khỏe có hạn của một cán bộ nữ làm sao gánh được một núi công việc trọng đại của Đảng và còn kiêm cả Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên và cả Nhân dân trên địa bàn phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, TP Hà Nội) chúng tôi đều thở phào, vừa vui mừng, kính trọng vừa tăng thêm lòng tin vào sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả sự nghiệp cách mạng xây dựng, phát triển đất nước hướng tới mục tiêu Tổ quốc hùng cường, xã hội văn minh, Nhân dân hạnh phúc.

Riêng tôi, còn được đồng chí Thường trực Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo, động viên và tạo mọi điều kiện để tôi vượt qua tuổi cao, sức cạn và những bất cập do đặc thù của lịch sử để lại, giúp tôi hoàn thành sứ mệnh của một nhân chứng lịch sử, phục vụ cho Đảng, Nhà nước giải quyết một loạt tồn đọng chính sách đối với liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng đã kéo dài hơn nửa thế kỉ nay. Tôi chỉ xin đơn cử một sự kiện trong hàng chục sự kiện mà đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo sâu sát, cụ thể và cả bằng trái tim cùng tấm lòng sâu đậm của một cán bộ lãnh đạo đối với thế hệ cha ông.

Đồng chí Trương Thị Mai tặng quà các gia đình có công với cách mạng ở Quảng Nam.
Đồng chí Trương Thị Mai tặng quà các gia đình có công với cách mạng ở Quảng Nam.

Tiếng súng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nứu nước và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc của Nhân dân ta đã chấm dứt gần nửa thế kỉ, nhưng vẫn còn hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) hi sinh đến nay chưa tìm được thông tin chính xác và cơ sở để xác nhận. Chỉ tính riêng lực lượng TNXP hỏa tuyến Liên khu 5 chúng tôi, kế tiếp nhau hoạt động từ thời chống Pháp đến chống Mỹ và cả chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc và Biên giới Tây Nam, đã có hàng mấy trăm chiến sĩ anh dũng hi sinh, nhưng đến nay vẫn không làm sao tìm được tin tức về gia đình, người thân, về mồ mả, hài cốt, kể cả danh tính của người đã khuất. Và, mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo giải quyết của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhưng những tồn đọng mang tính đặc thù của lịch sử, nên các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đều bất lực, coi là bất khả kháng. Biết được thực trạng đau lòng này, đồng chí Trương Thị Mai đã ngày đêm trăn trở rồi dành cho chúng tôi một sự quan tâm, động viên đặc biệt và cả chính sách đặc thù để chúng tôi "còn nước còn tát". Một sự kiện cụ thể là sau khi nghe chúng tôi báo cáo trong Chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1972, tại Mặt trận Bắc Khánh Hòa, có 9 chiến sĩ Đội TNXP vũ trang Khu 5, sau khi nằm hầm bí mật "Lập vành đai diệt Mỹ và nắm thắt lưng Mỹ và diệt" đã anh dũng hi sinh. Nhưng hơn 40 năm qua, chúng tôi đã mấy chục lần đi lại chiến trường xưa để tìm nhưng vẫn không tìm được tin tức, mồ mả, hài cốt của các đồng chí. Đồng chí Trương Thị Mai vô cùng day dứt, xúc động và tìm mọi cách chỉ đạo các cơ quan chức năng, phải bằng mọi giá đi tìm bằng được. Tuy nhiên, chỉ có các cơ quan chức năng mà không có tôi cùng đi thì không thể nào tìm ra manh mối. Nhưng tôi thì tuổi quá cao (trên 90) sức khỏe cạn kiệt, lại đang bị bệnh huyết áp dao động thất thường và đau đầu buốt tai do hậu quả sức ép chấn thương vào đầu của mìn Playmo trong kháng chiến, khó có thể đi được lên đến vùng cao, vùng sâu ở Tây Nguyên và miền núi các tỉnh Khu 5. Thế là, đồng chí Trương Thị Mai vừa đi công tác về, không kịp ăn cơm tối, đã gặp tôi và cầm điện thoại gọi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và đồng chí Chính ủy Quân khu 5 để giao nhiệm vụ tạo mọi điều kiện để tôi đi đến được các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đồng thời còn chỉ đạo các cơ quan liên quan cũng phải có sự quan tâm đặc biệt và cơ chế đặc thù mới có thể giải quyết được tình trạng tồn đọng chính sách đối với người có công hiện nay. Cũng trên tinh thần đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã báo cáo đề xuất lên Chủ tịch nước, giải quyết đặc cách gửi 30 tấm chân dung Bác Hồ để tặng 30 gia đình cơ sở của Đội TNXP vũ trang Khu 5, tạo thêm động lực chính trị, tinh thần để họ cùng tôi "hết nước thì vét đất để tát".

Sau 19 ngày lặn lội trên rừng sâu, núi cao, chuyến đi đặc biệt và cũng là chuyến đi cuối cùng của tôi mang về báo cáo với Thường trực Ban Bí thư là 9 đồng chí TNXP vũ trang Khu 5 hi sinh, đã có đầy đủ thông tin về địa điểm hi sinh, nơi chôn cất tạm các đồng chí để báo cho gia đình, người thân đón về đất mẹ. Còn nói chuyến đi cuối cùng là nói đến với hơn 10 chuyến đi trước, nay tôi đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh của một nhân chứng lịch sử đối với hơn 40 đồng chí, đồng đội thuộc Tổng đội TNXP vũ trang Liên khu 5 hi sinh. Trong niềm vui đầy nước mắt của các gia đình liệt sĩ, tôi nghẹn lòng xin nhận lỗi chậm trễ này và xin báo cáo trước vong hồn các anh, các chị, nhờ có sự quan tâm đặc biệt và sự chỉ đạo mang tính đặc thù của Đảng mà trực tiếp là đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, mới có được ngày hôm nay.

Nguyễn Anh Liên

Theo Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Lê Quang

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/tam-long-cua-dong-chi-thuong-truc-ban-bi-thu-truong-thi-mai-doi-voi-nguoi-co-cong-51521.html