11:04 | 15/02/2023 In bài biết
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra cướp đi không ít mạng sống, trong đó có không ít các cháu lứa tuổi thần tiên; cạnh đó là vấn nạn tắc đường tại hai đô thị lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã và đang trở thành vấn đề hot.
Nhiều người đổ lỗi cho số vụ tai nạn “leo thang”, vấn nạn tắc đường là do hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển của đô thị. Điều đó không sai nhưng chưa đủ. Bởi hiện nay một bộ phận người dân chưa nhận thức được văn hóa giao thông. Trên một số tuyến đường cao tốc vẫn còn tình trạng xe ô-tô ngang nhiên đi vào làn đường cấm, xe chạy quá tốc độ cho phép. Nhiều người điều khiển ô-tô, xe máy có nồng độ cồn vượt ngưỡng nhiều lần.
Một số tuyến đường rộng, đẹp ở Hà Nội như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh… người đi xe máy tràn ra chiếm hết phần dành cho ô-tô. Nhất là khi trời mưa, giờ cao điểm, đường Hà Nội lại tắc bởi tình trạng “mạnh ai nấy đi”. Rất nhiều người phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông, coi thường tính mạng người khác. Vô tình đồng hành với những người này, người chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ lại… bị chính những người này quát tháo, chửi tục, bấm còi, vì chắn trước xe của họ, làm họ không vượt được! Gặp phải tình cảnh này, nhiều người dân Thủ đô lắc đầu, văn hóa giao thông của một bộ phận người dân Hà Nội đang xuống cấp.
Người xưa có câu “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, nghĩa là, trước khi đổ lỗi cho khách quan, người tham gia giao thông hãy tự vấn mình trước. Nếu ai cũng muốn được việc cho mình mà phóng nhanh vượt ẩu, chạy ngược chiều; chen lấn, giành hết phần đường của người khác… chỉ làm cho văn hoá giao thông thêm xấu xí. Nguy hại hơn, hành vi ấy có thể gây ra hậu quả khó lường cho chính bản thân họ và những người tham gia giao thông khác.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong xử phạt các lỗi như vượt đèn đỏ, đi tắt, đi ngược chiều, chạy xe không đúng làn đường quy định… Cạnh đó, cần có giải pháp xây dựng văn hoá giao thông ngay từ những hành vi nhỏ hằng ngày trên đường, nhằm tạo thói quen cư xử văn hóa, giữ gìn trật tự an toàn giao thông thành chuẩn mực đạo đức của người tham gia giao thông. Nếu làm được như thế, bức tranh văn hóa giao thông của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mới được cải thiện; góp phần xây xựng hình ảnh đẹp cho du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.
Tường Minh
TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE
Hội Người cao tuổi Việt Nam
Tổng biên tập: Lê Quang
Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.
Liên hệ: Tòa soạn
Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/tien-trach-ki-41467.html