Khấm khá nhờ trồng bưởi Diễn

10:34 | 21/12/2022 In bài biết

Nói tới bưởi Diễn, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới một giống bưởi ngon nức tiếng thuộc làng Diễn trước đây, nay thuộc địa bàn các phường: Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, khi đà đô thị hoá phát triển nhanh, mạnh mẽ, quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, thì cũng là lúc mà giống bưởi quý này được các chủ vườn chiết ghép, nhân giống bán cho bà con nông dân ở nhiều nơi mua mang về trồng. Giống bưởi Diễn “di cư” tới không chỉ vùng Đồng bằng sông Hồng, mà còn được khá nhiều người dân tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, thậm chí xa xôi tận miền Trung cũng trồng thử nghiệm. Thế nhưng, diện tích trồng giống bưởi này nhiều hơn cả, và chất lượng cũng được xem là ngon không kém nhiều so với bưởi trồng tại… “đất tổ” của nó, phải kể tới, đó là các huyện ngoại thành Hà Nội, như: Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Đông Anh, Mê Linh…
Khấm khá nhờ trồng bưởi Diễn

Tham khảo từ một số chủ vườn thì cây bưởi giống Diễn có giá trị kinh tế khá cao, thời gian từ khi đặt cây giống cho tới lúc bắt đầu ra quả chỉ mất khoảng từ 3 đến 5 năm, tuỳ theo loại cây giống đó to hay nhỏ. Một số “ưu điểm” đáng chú ý nhất đối với giống bưởi này, đó là quả rất sai, chất lượng ngon ngọt, có thể bảo quản được trong khoảng thời gian dài, tới vài ba tháng mà không bị thối hỏng. Cây bưởi trưởng thành có thể thu hoạch được vài chục năm tiếp theo mà năng suất không giảm, thậm chí bưởi càng già cây thì chất lượng quả càng ngọt đậm… Chính vì vậy mà bà con nông dân ở các huyện ngoại thành rất “khoái” giống bưởi này, nhiều hộ dân từ nhiều năm nay đã mạnh dạn chuyển đổi đất cấy lúa, trồng rau màu có giá trị kinh tế thấp sang trồng bưởi Diễn.

Một ngày đầu Đông năm 2022, chúng tôi có dịp thăm một số xã nằm dọc theo đê Tả sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Đông Anh và Mê Linh, vào thời điểm các vườn bưởi đang chín vàng, các hộ dân bắt đầu bước vào mùa thu hái phục vụ người dân ăn Tết. Một điểm lưu ý với giống bưởi Diễn là quả phải được thu hái trước Tết chừng hơn 1 tháng, để có thời gian “xuống nước”, nghĩa là héo bớt đi, như vậy bưởi ngọt đậm hơn.

Vườn bưởi tôm vàng của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Trung Thành, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng.
Vườn bưởi tôm vàng của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Trung Thành, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng.

Tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, chúng tôi thăm vườn bưởi rộng gần 3 sào, của gia đình ông Lê Văn Tuân, 60 tuổi, và được ông cho biết chỉ khoảng dăm ngày nữa thu hái bưởi để chuẩn bị bán Tết Quý Mão 2023. Qua trò chuyện chúng tôi được biết, cách đây 18 năm, trong một lần tình cờ đến chơi nhà người bạn cùng quân ngũ ngày xưa, hiện sinh sống tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, thấy vườn bưởi giống Diễn ở ngay sát nhà quả sai chi chít, chín vàng ửng, mùi thơm lừng, ông vô cùng thích thú. Sau vài lần trò chuyện cùng bạn, ông Tuân đã đi đến quyết định trồng bưởi ngay vào năm sau trên diện tích đất bãi bồi rộng gần 3 sào của gia đình mình. Mất khoảng 5 năm đầu, tính từ lúc đặt cây giống khi bưởi chưa bói quả đời sống gia đình ông khá eo hẹp, vất vả, nhưng bắt đầu từ lúc bưởi cho thu hoạch thì kinh tế “phất” lên trông thấy. Theo ông Tuân, hiện mỗi năm gia đình ông thu khoảng 300 triệu đồng từ bưởi, trong đó lãi trên dưới 250 triệu đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ tại xã Tráng Việt, mà tại xã Văn Khê ngay bên cạnh, cùng huyện Mê Linh cũng có rất nhiều hộ trồng bưởi Diễn từ hơn chục năm nay và đều có thu nhập khá, ổn định. Ví dụ như gia đình bà Lê Thị Sợi, năm nay 63 tuổi, đưa cây bưởi vào trồng trên đất bãi bồi ven sông Hồng 12 năm nay, nhưng mỗi năm cho thu nhập cỡ 170 triệu đồng. Bà cho biết, trước kia gần 2 sào đất trồng ngô, khoai, rau…, chăm sóc rất vất vả mà hoa lợi bấp bênh, nhưng từ khi chuyển qua trồng bưởi Diễn chỉ có 1 năm gọi là mất mùa, nhưng bù lại giá bán bưởi lại tăng cao, nên tính ra nguồn thu cũng chỉ giảm chút ít so với những năm được mùa”.

Giá trị kinh tế cao của cây bưởi Diễn “chứng minh” từ thực tế khiến bà con nông dân các huyện ngoại thành quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Anh Trần Văn Nam, ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, chủ nhân của vườn bưởi Diễn 160 gốc kể rằng, trước đây chưa bao giờ gia đình anh canh tác ngô, khoai, đậu đỗ, lạc…, trên khoảng diện tích đất bồi ven sông mà mỗi năm tích cóp được mấy chục triệu đồng. Ấy vậy mà kể từ khi chuyển sang trồng bưởi, nhà anh mỗi năm đều để ra khoảng 200 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình anh dự định sẽ xây căn nhà 2 tầng…

Hay như gia đình chị Lê Thị Hải, ở Đẹp Thôn, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, vốn trước kia rất nghèo túng, vậy mà nhờ trồng 1,5 sào bưởi Diễn nên từ 8 năm nay không chỉ đủ ăn, mà còn tích cóp được một số vốn kha khá để xây chuồng trại phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc. Chị Hải cho biết, trước kia khi thấy nhiều hộ dân trong thôn, trong xã trồng bưởi Diễn có thu khá nên tôi trồng theo, không ngờ mình cũng thành công, bởi giống bưởi này cũng dễ tính, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc. Vụ bưởi này gia đình chị Hải dự tính sẽ thu khoảng 9.000 quả, với giá bán từ 25.000-30.000 đồng/quả, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Bưởi giống Diễn những năm gần đây luôn được mùa, giá bán lại khá ổn định, quả thực đang mang lại sự đổi thay cho nhiều làng quê ở ngoại thành, kinh tế nhiều hộ gia đình phát triển mạnh mẽ từ chỗ nghèo đói tiến tới đủ ăn, khá giả…

Việt Hưng

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Lê Quang

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/kham-kha-nho-trong-buoi-dien-40344.html