Số ca mắc sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam ngày càng gia tăng

11:06 | 24/05/2022 In bài biết

Tại nhiều nơi trên cả nước, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng cao, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến ngày 21/5, toàn quốc đã ghi nhận hơn 30 nghìn ca mắc, trong đó có 13 ca tử vong tập trung tại các tỉnh phía Nam.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ đầu năm đã có gần 300 trẻ bị sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó 10% là bị nặng. Thậm chí có trường hợp mắc thể nặng, suy đa tạng. Các bệnh nhi chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận, điển hình như Đồng Tháp đã ghi nhận gần 500 trường hợp, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và còn xảy ra sớm hơn gần 3 tháng với diễn biến phức tạp.

TP. Đà Nẵng cũng đã ghi nhận hơn 1.300 trường hợp, tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái. Các ổ dịch tập trung ở nơi có nhiều công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên lưu trú tại các nhà trọ, khu tập thể. Còn tại Phú Yên, đã có 11 ổ dịch với hơn 300 ca, tăng 5% so với cùng kỳ.

Theo HCDC, trong tuần 20, TP. Hồ Chí Minh có 943 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 19.7% so với trung bình 4 tuần trước. Trung bình mỗi ngày, thành phố lại có thêm 134-135 người mắc bệnh.

Ngày 24/5, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, toàn thành phố ghi nhận 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh, trong đó có 7 ca tử vong do sốt xuất huyết nặng.

bệnh nhi sốt xuất huyết đang được điều trị tại phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BV cung cấp
Bệnh nhi sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: BVCC

Các chuyên gia dịch tễ dự báo, cứ theo vòng lặp 4-5 năm thì bệnh sốt xuất huyết Dengue lại gây ra trận dịch lớn. Và theo đúng chu kỳ, có thể năm 2022 này sẽ bắt đầu một trận dịch sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị, vì vậy ThS.BS Nguyễn Đình Quy - Phó trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) khuyên mỗi gia đình, mỗi cơ quan nên dành 10-15p mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi; Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng; Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Đặc biệt, khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2-3 ngày, phụ huynh cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xem xét chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue sớm nhất.

Hiện, Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để chủ động trong việc phòng, chống, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Phòng tránh sốt xuất huyết trong mùa mưa bão Phòng tránh sốt xuất huyết trong mùa mưa bão

Sau mưa bão, môi trường ẩm ướt và ô nhiễm tạo điều kiện cho các vector truyền bệnh phát triển mạnh. Những nơi có ao ...

Những sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết Những sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Nhiều bà mẹ, nhất là những bà mẹ có con đầu lòng thường lúng túng nên có những xử trí không đúng khi con bị ...

Viên Minh

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Lê Quang

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/so-ca-mac-sot-xuat-huyet-o-khu-vuc-phia-nam-ngay-cang-gia-tang-34155.html