Đừng làm hết phần con

11:13 | 19/01/2022 In bài biết

Sáng chở con đi học, tới cổng trường, tôi gặp chị bạn đang xách cặp cho cậu con trai học lớp 5 với con gái tôi, còn cậu bé da trắng trẻo, người phốp pháp lững thững bước theo sau. Thấy vậy, tôi hỏi: “Sao chị không để cháu tự đeo cặp?”. Chị đáp vội: “Nó ì ạch lắm, để mình xách cho rồi!”. Tôi cười, bảo chị: “Việc gì cháu nó làm được thì chị nên để cháu nó làm”.

Thiết nghĩ không ai có thể làm tốt được mọi việc ngay từ đầu. Vì thế cha mẹ hãy bình tĩnh, kiên trì chờ đợi vào quá trình tiến bộ của con thay vì nôn nóng, phủ nhận và làm thay con mọi việc. Làm thay con mọi việc cũng đồng nghĩa là cha mẹ đang sống thay con. Con cũng có cuộc sống của con, vậy nên cha mẹ đừng làm hết phần việc của con để con còn được là chính mình! Để con tự làm những gì con có thể làm được, hẳn con sẽ có được những trải nghiệm thú vị, sức khỏe, kĩ năng, kinh nghiệm và cả sự sáng tạo không ngừng.

rẻ chăm làm việc nhà có khả năng đạt thành công hơn trong tương lai
Trẻ chăm làm việc nhà có khả năng đạt thành công hơn trong tương lai. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều người bảo, ngày xưa ông bà ta đẻ nhiều, không có điều kiện cho nên mới bắt con cái làm từ nhỏ. Bây giờ con cái ít, điều kiện đủ đầy, để con phải làm việc này việc khác thấy tội thấy xót. Nhưng ít ai nghĩ rằng: Cha mẹ không thể sống với con cả đời, cũng không thể làm cho con cả đời được. Cái con cần ở cha mẹ là sự định hướng, chỉ dẫn để con sớm có thể tự lập, trưởng thành, trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Nhiều bậc cha mẹ, vì muốn con có thành tích học tập tốt cho bằng hay hơn con người ta, lại bắt con học ngày học đêm, còn mọi việc khác cứ để cha mẹ lo. Việc học nhồi nhét như thế sẽ khiến con chán ngán, “dị ứng” với sách vở, xem việc học như một cực hình. Con sẽ có xu hướng học theo kiểu trả bài cho xong mà không có gì là tâm đắc, không có khả năng khắc sâu kiến thức; thiếu sự suy luận, liên hệ, mở rộng để làm giàu vốn hiểu biết. Đó còn chưa kể nếu không cho con lao động chân tay sẽ khiến con dễ suy nhược, trầm cảm, thiếu vốn sống thực tế,…

Ngay cả đến việc học, dù có nhiều thời gian ở bên con, cha mẹ cũng không nên học thay con. Vợ chồng tôi dạy văn nhưng chưa bao giờ làm bài văn mẫu cho con chép. Mỗi lần con có hỏi thì trước hết phải yêu cầu con nói lên cách nghĩ, cách diễn đạt của mình, sau đó sẽ là những định hướng, gợi mở để con có thể tự lựa chọn và diễn đạt lại. Đơn giản như vậy là để tránh cho con thói lười tư duy; thói quen dựa dẫm, ỷ lại.

Một thực tế bây giờ, nhiều bạn trẻ “sành điệu” trong việc thường xuyên tụ tập nơi quán xá; chụp hình, chơi facebook, chơi game, ăn mặc hơn là chuyện học hành hay làm việc phụ giúp cha mẹ. Từ đó không ít bạn trẻ có tâm lí ngại lao động, không biết quý trọng thời gian và tiền bạc, đòi hỏi mọi người phục vụ mình hơn là ý thức trách nhiệm, cống hiến của bản thân.

Con cái dứt ruột đẻ ra, cha mẹ nào mà chẳng thương. Nhưng thương con đúng cách, muốn con trưởng thành, thiết nghĩ cha mẹ đừng làm hết phần việc của con!

Lê Thị Xuyên

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Lê Quang

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/dung-lam-het-phan-con-30145.html