Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên: Trả lại đất vườn dừa cho dòng tộc Trần Quang mới hợp đạo lí và pháp luật

09:24 | 08/05/2018 In bài biết

Vụ việc trên đã được Báo Người cao tuổi phản ánh tại các số báo ra ngày 6/8/2014 và các ngày 5/7 - 7/7/2017. Tuy nhiên, thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên vẫn “im lặng đáng sợ”! Sau khi chính quyền không cấp lô đất ở 100m2, dòng tộc Trần Quang (do ông Trần Quang Huỳnh làm tộc trưởng), quyết định đòi lại toàn bộ vườn dừa 2.765,4m2 của dòng tộc bị thu hồi trái pháp luật, rồi… bỏ hoang từ 1995 đến nay…

Đơn tố cáo của dòng tộc Trần Quang, ghi lần thứ 36, ngày 30/12/2017, gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu và các cơ quan báo chí đã nêu rõ 5 hành vi trái pháp luật của chính quyền tỉnh Phú Yên và thị xã Sông Cầu, trong việc thu hồi vườn dừa của dòng tộc Trần Quang. Đó là: Không ban hành quyết định thu hồi đất; không bồi thường giá trị đất theo quy định của Luật Đất đai năm 1993; hứa cấp 100m2 đất ở, nhưng thông báo rồi không thực hiện; thu hồi rồi bỏ hoang từ năm 1995 đến nay; khi dòng tộc của ông khiếu nại, tố cáo, đã không xem xét giải quyết theo quy định của Luật Đất đai, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Tiếp công dân, mà giải quyết một cách tùy tiện, áp đặt theo… “luật rừng”. Ông Trần Quang Huỳnh yêu cầu chính quyền tỉnh Phú Yên và thị xã Sông Cầu phải trả lại toàn bộ vườn dừa cho dòng tộc Trần Quang, xử lí các cán bộ vô cảm và vô trách nhiệm với dân.

Vụ đất vườn dừa của dòng tộc Trần Quang đối với chúng tôi không còn lạ lẫm gì. Với 3 bài điều tra đăng vào năm 2014 và 2017, chúng tôi hoàn toàn có đầy đủ tư liệu, chứng cứ, cơ sở pháp lí để khẳng định: Nội dung đơn tố cáo của người đại diện dòng tộc Trần Quang hoàn toàn đúng. Bản thân ông Huỳnh là người có học, công chức Nhà nước với gần 40 năm phục vụ, nhận thức khá sâu sắc về pháp luật, đạo lí. Quá trình khiếu nại, tố cáo của ông khiêm tốn, nhã nhặn; phân tích, chứng minh có lí, có tình... Nhưng do chính quyền thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên giải quyết vụ việc một cách vô trách nhiệm, trái pháp luật, kéo dài, làm cả dòng họ và nhất là bản thân ông bức xúc.

Lá đơn tố cáo lần thứ 34, 35 và Biên bản… y sao


Ông có cơ sở để chứng minh và chúng tôi cũng đã thẩm định: Đất vườn dừa của dòng tộc Trần Quang chưa bao giờ hiến, cụ Trần Quang Huấn, cha ông Huỳnh lúc bấy giờ, dù là Tộc trưởng, cũng không có quyền hiến, vì đây là tài sản chung của dòng tộc. Việc chính quyền huyện Sông Cầu trước đây, thị xã Sông Cầu hiện nay cho rằng, cụ Huấn và các hộ dân có đất liền kề đã hiến vườn dừa dòng tộc cho Nhà nước, theo ông Huỳnh, là sự bịa đặt, xúc phạm đến người dân. Ông Huỳnh đặt câu hỏi: Cụ Huấn hiến đất, nhưng sao còn liên tục gửi đơn khiếu nại, khởi kiện từ năm 1995 đến chết (năm 2003)? Hiến đất sao còn nộp thuế đến năm 1999? Hiến đất sao không có giấy hiến? Ông Huỳnh khẳng định: Thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên không thể lấy “Biên bản họp về việc giải quyết đất, mở rộng đề án kiến thiết cơ bản Xí nghiệp ép dầu 19/8”, được lập ngày 16/3/1979, để làm căn cứ cho rằng, cụ Huấn đã hiến vườn dừa, bởi đó là một biên bản giả mạo. Biên bản lập, nhưng không ai biết!? 10 năm sau (năm 1989), khi người dân phát hiện ra sự dối trá, yêu cầu xuất trình biên bản, thì lãnh đạo huyện Sông Cầu mới đưa ra “sao y bản chính”. Sao y do ông Phó Giám đốc kí và con dấu của Xí nghiệp 19/8!? Còn những người hiến và ngay cả Biên bản gốc để sao y, cũng không không có chữ kí của bất cứ người nào dự họp; kể cả đại diện thị trấn Sông Cầu, cũng như Xí nghiệp 19/8; cũng không có con dấu của 2 đơn vị này.
Ông Huỳnh khẳng định: Biên bản nói trên giả 100%. Vậy mà, chính quyền thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên sử dụng biên bản đó làm “bùa hộ mệnh”, để dối dân và cấp trên suốt 22 năm qua. Phân tích ở khía cạnh khác, giả dụ cụ Huấn lúc bấy giờ có ưu ái chính quyền đến mấy, cũng không thể hiến vì đây là tài sản dòng tộc; chính quyền huyện Sông Cầu cũng không thể sử dụng tài sản không phải của cụ Huấn. Nhưng nếu chuyện “hiến” là có thật, thì chính quyền địa phương lúc bấy giờ cũng phải ban hành quyết định thu hồi đất, theo quy định tại Điều 21 Luật Đất đai năm 1993: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác, chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”. Năm 1995, chính quyền tỉnh Phú Yên không ra quyết định thu hồi đất của dòng tộc Trần Quang và các hộ dân lân cận, nhưng lại ban hành quyết định giao đất cho Công ty Dầu thực vật Phú Yên (lúc này Xí nghiệp 19/8 đổi tên thành Công ty Dầu thực vật) là hoàn toàn trái pháp luật.

Thực tế, lúc đầu huyện Sông Cầu mượn đất vườn dừa của dòng tộc Trần Quang và một số hộ dân lân cận, để làm bãi chứa dừa khô mua từ nơi khác về. Nhưng sau đó, tỉnh Phú Yên ngang nhiên ban hành quyết định giao cho Công ty Dầu thực vật. Việc làm đó của UBND tỉnh Phú Yên, dòng tộc Trần Quang và các hộ dân không biết. Đến khi Công ty này không hoạt động nữa, cụ Huấn đòi trả lại vườn dừa, chính quyền huyện Sông Cầu trả lời: “Đất đã hiến nên không thể trả lại”. Đòi mãi huyện mới hứa cho một lô đất ở, nhưng không giao. Nay thì cả thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên chính thức “nuốt lời hứa”. Điều đáng nói thêm, từ khi thu hồi vườn dừa, chính quyền thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên bỏ hoang, dẫn đến vườn dừa rộng 13.805m2, trong đó có 2.765,4m2 của dòng tộc Trần Quang, với hàng trăm cây dừa không được chăm sóc, bảo vệ, chết dần, chết mòn nay chỉ còn vài cây lơ thơ trong vườn đầy cỏ cây hoang vu, rậm rạp.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc làm nói trên của chính quyền thị xã Sông Cầu và tỉnh Phú Yên, là hành vi cố ý làm trái, hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Hành vi đó chẳng những xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, mà còn làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền. Do đó, việc ông Huỳnh kiến nghị xử lí, loại bỏ những người như vậy ra khỏi bộ máy là hoàn toàn đúng đắn, nghiêm túc.

Bằng lá đơn được pháp luật cho phép, ông Huỳnh khẩn thiết gửi đến các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đề nghị can thiệp, buộc chính quyền tỉnh Phú Yên và thị xã Sông Cầu trả lại đất vườn dừa cho dòng tộc ông. Thiết nghĩ, đây là đề nghị chính đáng, đúng pháp luật và đạo lí, cần được sự ủng hộ; nhất là trong thời điểm cuộc chiến chống tham nhũng, lợi ích nhóm, suy thoái, biến chất hiện nay đang vào thời kì quyết liệt,

Nguyễn Xuân

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Lê Quang

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/thi-xa-song-cau-tinh-phu-yen-tra-lai-dat-vuon-dua-cho-dong-toc-tran-quang-moi-hop-dao-li-va-phap-luat-2983.html