11:19 | 23/06/2021 In bài biết
Đến với na là một sự tình cờ và gắn bó với nó như một cái duyên. Nhưng cái duyên đó đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Phạm Văn Ngoan (74 tuổi) thôn Ninh Bình, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh…
Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, năm 1968 ông Ngoan nhập ngũ tại Sư đoàn 324, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Lào. Năm 1980 ông xuất ngũ trở về địa phương. Thấy quê hương mình đất chật, người đông, theo chủ trương lấy dân di cư về Đông Triều xây dựng kinh tế mới, ông đã cùng gia đình tới đây lập nghiệp. Năm 1992, ông nhận hơn 4ha đất trống đồi trọc để trồng cây lâm nghiệp (vải và keo), nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao.
Năm 2012, sau khi xem một chương trình dạy cách làm nông nghiệp trên ti vi, ông Ngoan thấy giống na bở cho giá trị kinh tế cao. Vậy là, ông vay vốn bạn bè để đầu tư mua cây giống để trồng na bở. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn na trĩu quả, ông Ngoan kể lại: “Trước kia đây là vùng đất xấu, khô cằn, toàn sỏi đá nên trồng cây gì cũng chết. Ban đầu trồng na bở rất khó khăn vì thiếu vốn, do chưa có kinh nghiệm nên năng suất chưa cao, thêm vào đó thương lái ép giá nên thu nhập không được bao nhiêu”.
![]() |
Ông Ngoan (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng na bở với nông dân trong xã. |
Nhưng với quyết tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ông đã tích cực tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kiến thức về trồng trọt, tham gia các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cây ăn quả do các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương tổ chức.
Không phụ công người, đến nay vườn na bở của ông Ngoan có hơn 1.000 gốc. Nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật, cây sinh trưởng tốt, khi thu hoạch trừ hết chi phí lãi hơn 500-600 triệu đồng/năm. Không những mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, ông còn tạo điều kiện cho các hội viên của Hội NCT ở các thôn, xã lân cận đến tham quan mô hình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kĩ thuật để người dân cùng tham gia phát triển kinh tế.
Ông Ngoan cho biết thêm: “Na bở là loại na được nhiều người ưa chuộng bởi quả to, vị ngọt thanh và ít hạt. Các công đoạn chăm sóc cũng rất đơn giản, ngoài việc bổ sung phân bón và nước thì cần phải tỉa cành và vặt lá đúng thời điểm để na có thể ra hoa, đậu quả. Cụ thể, chỉ cần tỉa bớt những những cành nhỏ mọc trong tán để cây được thông thoáng hơn. Trước khi na ra hoa mình phải vặt lá trước một tháng, việc vặt lá thay vì phun thuốc để cây rụng lá sẽ an toàn hơn và tránh được nhiều loại bệnh như bọ trĩ, sâu đục quả… ”.
Đánh giá về vườn cây ăn quả của ông Ngoan, ông Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Khê cho biết: “Dù tuổi cao, nhưng ông Ngoan vẫn chăm chỉ, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình. Ông Ngoan còn là hội viên NCT gương mẫu trong mọi phong trào ở cơ sở, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Luôn tích cực đi đầu trong công tác vận động Nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Ông được bà con yêu mến, thường xuyên đến trao đổi học tập kinh nghiệm làm ăn”.
Bài và ảnh Vĩ Đức
TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE
Hội Người cao tuổi Việt Nam
Tổng biên tập: Lê Quang
Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.
Liên hệ: Tòa soạn
Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/lam-giau-nho-trong-na-25148.html