13:43 | 01/06/2021 In bài biết
Báo Người cao tuổi (nay là Tạp chí Người cao tuổi) đã đăng nhiều bài phản ánh việc chính quyền huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) thu hồi đất của gia đình bà Lê Thị Tư (xã Hưng Long) nhưng không bồi thường thỏa đáng. Hơn thế, mặc dù bị thua trong vụ kiện, song lãnh đạo địa phương này có dấu hiệu “trả đũa” khi vẫn không chịu bồi hoàn theo luật, khiến bà Tư phải đáo tụng đình lần nữa. Tiếc thay, tòa cấp sơ thẩm lại bác nên người lão nông già đành nuôi hi vọng vào sự công tâm, khách quan của cấp phúc thẩm tới đây!
Không thể phủ nhận toàn bộ thửa đất là đất thổ!
Điều vô lí thứ nhất là tòa cấp sơ thẩm "nghe" theo bị đơn, không bồi thường cả thửa đất theo đơn giá đất ở. Tòa đã chấp nhận một số tài liệu cũ, trong đó có tài liệu ghi toàn bộ là đất M, đất TV mà cố tình lờ đi Báo cáo số 977, ngày 29/7/2015 của UBND xã Hưng Long thừa nhận, theo tài liệu 299, thì thửa đất của bà Tư, có nhà, là đất thổ. Cụ thể, "tài liệu bản đồ 299/TTg - CP lưu trữ hiện có tại UBND xã thì vị trí nhà của bà Lê Thị Tư thuộc thửa 1062(2), diện tích 1.930 m2 thể hiện mục đích sử dụng đất trên nền tài liệu bản đồ 299/Ttg-CP là đất thổ (T)"; loại đất thể hiện mục đích sử dụng trong sổ 5b là ĐM là "chưa chính xác so với hiện trạng sử dụng đất thực tế của hộ bà Tư"! Thiết nghĩ, bản đồ 299/TTg là tài liệu đo vẽ chính quy có giá trị pháp lý cao nhất trong việc cấp sổ đỏ. Chính vì thế, Luật Đất đai năm 2003 (Điều 50) cũng như năm 2013 (Điều 100) đều coi đây là loại giấy tờ xếp đầu tiên, về đất trước ngày 15/10/1993, trong các loại giấy tờ khác để cấp quyền sử dụng!
![]() |
Công văn số 54, "qua mặt" UBND TP Hồ Chí Minh |
Chẳng những “quên” bản đồ 299 ghi đất là thổ, bị đơn và tòa cũng “cố quên”, khi có nhiều tài liệu "chọi" nhau, không trùng khớp thì phải lấy tài liệu có giá trị pháp lý cao hơn, ra sớm hơn và có lợi cho dân nhất - tức, phải lấy tài liệu ghi là đất T cho bà Tư. "Chính vì thế, gia đình tôi được cấp sổ tạm và ghi rõ toàn bộ thửa đất là đất thổ. Sổ này, khi cấp sổ chính thức năm 2000 huyện đã thu lại" - bà Tư khẳng định! Cũng theo bà Tư, bản kê được cho là chồng bà khai (cán bộ xã ghi) mà huyện đưa ra, nếu cộng lại thì thửa đất đã... "biết đẻ" thêm 64 m2! Đây là 1 điều phi lý, chứng minh bản ghi kê khai hết sức mâu thuẫn, không thể lấy làm căn cứ...
Thực ra, không cần những lập luận trên, chỉ cần "chiểu" mấy cơ sở pháp lý sau cũng đủ khẳng định toàn bộ thửa đất của bà Tư đất ở. Cụ thể, Điều 45 Nghị định 181/2004 ghi: Diện tích đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân đã được cấp sổ trước ngày Nghị định này có hiệu lực, xác định như sau: ..."2/Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng trước ngày 18/12/1980 mà trong hồ sơ địa chính hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì toàn bộ diện tích đất đó được xác định là đất ở; trường hợp ranh giới thửa đất chưa được xác định trong hồ sơ địa chính hoặc trên các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì diện tích đất ở được xác định không quá 5 lần hạn mức diện tích giao đất ở"...
Như vậy, vườn ao của bà Tư thuộc cùng 1 thửa có nhà từ năm 1975, có tên trong sổ đăng ký (tức 1 trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003) được cấp sổ tạm thời và sổ chình thức năm 2000. Do đó, căn cứ theo điều luật này thì hiển nhiên toàn bộ thửa đất phải được công nhận là đất ở, không thể nào khác!...
Cần bồi thường, tái định cư đúng luật
Nói thêm, theo Khoản 2, Điều 87 Luật Đất đai năm 2003 thì toàn bộ thửa đất cũng là đất ở. Bởi: Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18/12/1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 thì diện tích đất vườn, ao đó được xác định là đất ở!
Điều vô lí thứ 2, tòa cũng "nghe theo" bị đơn để không bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá tại thời điểm chi trả. Đây là điều thật khó chấp nhận, vì khi bà Tư khởi kiện lần đầu, bà đã thắng và UBND huyện buộc phải huỷ bỏ quyết định cũ, ra quyết định bồi hoàn mới. Như thế, căn cứ Khoản 2, Điều 9 Nghị định 197/2004 (Bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường...). Vậy, UBND huyện Bình Chánh phải trả tiền bồi hoàn, hỗ trợ cho gia đình bà Tư theo đơn giá tại thời điểm chi trả mới là đúng quy định!
![]() |
Ngôi nhà của bà Tư có từ năm 1975, nhưng trong sổ đỏ lại không ghi 1m2 đất ở nào |
Điều vô lí thứ ba, trong khi đại gia đình bà Tư có đến 4 thế hệ, 3 người con lập gia đình (có sổ khẩu riêng, cất nhà ngay bên cạnh - nôm na là bếp riêng - với hơn 10 nhân khẩu) bị giải tỏa trắng nhưng chỉ được 1 lô nền tái định cư là rất khó hiểu. Tại phiên xử mới đây, bà Tư được biết UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý cho thêm 1 nền nữa. Tuy nhiên, UBND thành phố vẫn bị chính quyền huyện “qua mặt” bằng bản Báo cáo số 54, ngày 26/6/2019. Bởi, bản Báo cáo không đúng sự thật này cho rằng, cuốn sổ đỏ của bà Tư, với toàn bộ thửa đât chỉ là đất... LN! Theo bà Tư, "bản báo cáo "tùm lum" còn thể hiện ở việc không đề cập việc 3 người con tôi đã lập gia đình, làm thêm 2 căn nhà trên thửa đất và tách khẩu ra ở riêng, hoàn toàn độc lập nhưng huyện chỉ báo cáo sơ sài "tổng số khẩu thường trú tại căn nhà bị giải tỏa là 12"!
Vậy, vì sao UBND huyện lại đưa ra 1 tài liệu (sổ đỏ) khi biết rõ tài liệu này cực kỳ vô lý (nhà bà Tư có từ năm 1975, nhưng trên sổ không hề thể hiện và không ghi 1m2 đất ở nào), sai đúng thực tế (chính UBND xã Hưng Long cũng đã có Báo cáo số 977 khẳng định điều này)? "Trong khi, khuôn viên đất ở nhà tôi rất rộng, có nhiều cặp vợ chồng, không phải chỉ sinh sống trong 1 căn mà là 3 căn và đủ điều kiện tách hộ (mà thực tế đã tách nhà, tách hộ). Do đó, gia đình tôi phải được ít nhất 3 suất tái định cư!" - bà Tư bức xúc!
![]() |
Lão nông Lê Thị Tư: "Tôi mong cấp phúc thẩm công tâm, khách quan"! |
Sau cùng, về hỗ trợ tiền thuê nhà gia đình bà Tư cũng không được chấp nhận. Theo bà Tư, cán bộ Ban đền bù, giải phóng mặt bằng huyện đã có văn bản đề xuất nhưng không hiểu sao lãnh đạo huyện lại bác. Có thể do họ đã không biết một sự thật: Trên thửa đất bị giải tỏa trắng là 1 đại gia đình với 3 căn nhà và dưới những mái nhà đó là 3 cặp vợ chồng cùng con cái (hơn 10 nhân khẩu) có hộ khẩu, hôn thú... Bởi thế, không thể máy móc cho rằng, bà Tư đã có nhà nên không được hưởng khoản này. "Tòa cấp sơ thẩm đã xử mà không xét, chỉ nhất nhất nghe theo bị đơn. Do vậy, tôi rất mong cấp phúc thẩm xét xử công tâm và đúng luật" - người phụ nữ tuổi U70 hi vọng!
Mạc Hồng Kỳ - N. P.Uyên
TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE
Hội Người cao tuổi Việt Nam
Tổng biên tập: Lê Quang
Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.
Liên hệ: Tòa soạn
Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/mong-toa-phuc-tham-xet-xu-cong-tam-24546.html