Con người dưới cách nhìn của y học cổ truyền (Kì 16)

16:28 | 21/01/2021 In bài biết

Trong kì trước chúng ta so sánh sự giống và khác nhau giữa tạng Tì trong y học cổ truyền và tuyến Tụy trong y học hiện đại. Ở kì này sẽ so sánh chức năng của phủ Vị trong y học cổ truyền và Dạ dày trong y học hiện đại. Cùng với đó chúng ta sẽ tìm hiểu về các chứng bệnh của Tì Vị…

C. Công năng tạng Tì với sức khỏe con người

5. So sánh phủ Vị trong y học cổ truyền và Dạ dày trong y học hiện đại

Công năng của phủ Vị trong y học cổ truyền đó là nơi chứa đựng và làm nhừ đồ ăn rồi đưa xuống tiểu trường. Tì và vị có quan hệ biểu lí với nhau, cùng giúp cho sự vận hoá đồ ăn, nên gọi chung là “gốc của hậu thiên”.

Chức năng của dạ dày trong y học hiện đại: Vừa là nơi tiếp nhận lưu trữ chất dinh dưỡng của cơ thể, vừa là nơi chuyển hóa thức ăn. Dạ dày có hai chức năng chính đó là:

Co bóp, nhào trộn cho thức ăn thấm acid dịch vị

Chuyển hóa một phần thức ăn nhờ hệ enzyme tiêu hóa trong dịch vị.

Quá trình tiêu hóa thức ăn của dạ dày diễn ra như sau:

Sau khi thức ăn được nghiền nát một phần ở miệng bằng động tác nhai và được phân hủy một phần nhỏ nhờ các enzyme có trong nước bọt, thức ăn sẽ được đưa xuống dạ dày qua một ống cơ trơn gọi là thực quản. Dạ dày là nơi chứa đựng, nghiền nát và nhào trộn thức ăn với dịch vị. Đồng thời dạ dày hấp thu một lượng nhỏ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Và sau đó, thức ăn sẽ được đưa xuống ruột non để thực hiện công đoạn tiêu hóa và hấp thu cũng như đào thải.

Độ pH của dạ dày rất thấp chỉ từ 2 đến 2,5 không chỉ có tác dụng tiêu hóa mà còn có tác dụng trong phòng bệnh. Độ pH thấp như một rào cản hóa học hữu hiệu để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh đi theo thức ăn vào trong cơ thể. Một số bệnh nhân mắc chứng teo niêm mạc dạ dày không đủ khả năng duy trì độ pH thấp nên dễ mắc các chứng bệnh nhiễm trùng đường ruột. Tuy nhiên, nếu độ pH này quá thấp sẽ gây loét dạ dày tá tràng.

Như vậy chúng ta có thể thấy công năng của phụ Vị giống với chức năng của Dạ dày, đều có vai trò là nơi chứa đựng và tiêu hóa thức ăn.

6. Bệnh lí của Tì Vị

6.1. Triệu chứng bệnh của tạng Tì

Bệnh Tì thực có các triệu chứng: Khí tích, thực tích, đàm ẩm, cổ trướng, bụng đầy đau.

Bệnh Tì hư có các triệu chứng: Sắc mặt vàng xạm, chân tay mềm yếu, mệt mỏi, đoản hơi, lòi dom, ỉa chảy.

Bệnh Tì nhiệt có các triệu chứng: Môi đỏ, chốc mép, mồm ngọt, nước dãi đặc dính, bụng đau, ỉa khẳm.

Bệnh Tì hàn có các triệu chứng: Ăn không tiêu, bụng đau, ỉa chảy, chân tay lạnh, môi lưỡi nhạt, mạch trì.

6.2. Triệu chứng bệnh của phủ Vị:

Vị thực có các triệu chứng: Bụng đầy đau, ợ chua, hơi nặng mùi, đại tiện kết.

Vị hư có các triệu chứng: Môi lưỡi nhạt, không muốn ăn, nôn.

Vị nhiệt có các triệu chứng: Mồm hôi, môi đỏ, loét mồm, ăn nhiều chóng đói, uống nhiều hay khát, bụng cồn cào, lợi sưng.

Vị hàn có các triệu chứng: Dạ dày đau âm ỉ, nôn chất trong, môi lưỡi trắng bệch, mạch trầm trì, thích nóng.

6.3. Các hội chứng bệnh của Tì Vị

a. Tì khí hư - Tì mất kiện vận

Nguyên nhân: Do lo lắng, lao lực, ăn uống không điều độ

Triệu chứng lâm sàng: Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, không ngon miệng, sợ lạnh, sắc mặt vàng tái. Đau vùng thượng vị, đại tiện nhiều lần trong ngày. Buồn nôn, nôn mửa, ăn kém, đầy tức bụng, sôi bụng. Tay chân nặng nề, gầy rốc, phù thũng, đoản hơi, nói yếu. Rêu trắng, lưỡi nhợt, bệu, mạch trầm trì, vô lực, nhược.

Bệnh cảnh y học hiện đại tương ứng thường gặp:

Viêm gan mãn, xơ gan cổ trướng.

Viêm thận mãn.

Viêm dạ dày tá tràng mãn.

Các hội chứng kém hấp thu.

Tiêu chảy do tiểu đường.

Thiếu men lactace.

b. Tì khí hư hạ hãm

Nguyên nhân: Do lo lắng, lao lực, ăn uống không điều độ.

Triệu chứng lâm sàng: Người mệt mỏi, sắc mặt vàng úa. Tiêu chảy, đại tiện nhiều lần trong ngày. Ăn kém, đầy bụng. Sa tử cung, sa trực tràng. Thích uống nước nóng, tay chân lạnh, thở ngắn, tiếng nói yếu. Lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng ướt, nhợt. Mạch trì, nhu vô lực, nhược.

Bệnh cảnh Y học hiện đại tương ứng thường gặp:

Viêm loét dạ dày tá tràng mãn.

Viêm đại tràng mãn.

Sa sạ dày, sa sinh dục.

c. Tì hư không thống huyết

Nguyên nhân: Do lo lắng, lao lực, ăn uống không điều độ.

Triệu chứng lâm sàng: Người mệt mỏi, không ngon miệng, khát nước. Sắc mặt nhợt, vàng. Buồn nôn, nôn ra máu. Đại tiện phân có máu, phân nhão. Tiểu máu, rong kinh, tay chân lạnh, chảy máu mũi, xuất huyết dưới da. Lưỡi nhợt, mạch trầm.

Bệnh cảnh y học hiện đại tương ứng thường gặp:

Viêm đại tràng chảy máu.

Các rối loạn về đông máu.

Xơ gan.

d. Can vị bất hòa

Nguyên nhân: Do tình chí không thoải mái, can khí uất kết.

Triệu chứng lâm sàng: Hay bực dọc, gắt gỏng, hay thở dài. Đau hông sườn, đầy bụng, ợ chua, đau thượng vị. Táo bón xen tiêu chảy. Rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác hữu lực.

Bệnh cảnh y học hiện đại tương ứng thường gặp:

Đau dạ dày do stress.

Tiêu chảy do tâm lí.

Rối loạn vận động đường ruột.

Hội chứng đại tràng kích thích.

BS Đỗ Nam Khánh & BS YHCT Nguyễn Mạnh Linh

TẠP CHÍ NGÀY MỚI ONLINE

Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tổng biên tập: Trần Duy Phương

Giấy phép hoạt động báo chí số 47/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 5/2/2020.

Liên hệ: Tòa soạn

Đường dẫn bài viết: https://ngaymoionline.com.vn/con-nguoi-duoi-cach-nhin-cua-y-hoc-co-truyen-ki-16-21451.html