Vì sao nên đổi tên thành thẻ căn cước?
Tin tức - Sự kiện 15/11/2023 15:13
Tiếp tục Chương trình phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, sáng 15/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung thảo luận (Ảnh: QH) |
Báo cáo trước UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước, có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên Luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.
Giải trình, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới khẳng định, việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số tính khoa học, đại chúng, giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng. Đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.
Luật Căn cước công dân hiện hành chỉ quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên; dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam); đối với người gốc Việt Nam thì không cấp thẻ căn cước mà chỉ cấp giấy chứng nhận căn cước.
Từ những vấn đề trên, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nhấn mạnh: "Việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là hoàn toàn phù hợp cả về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; đạt các mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban QPAN đề nghị UBTVQH cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình" - Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, về trung tâm dữ liệu quốc gia, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm dữ liệu quốc gia nên quy định việc kết nối với các cơ sở dữ liệu là chưa phù hợp. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể khi luật đã giao nhiệm vụ.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị UBTVQH cho bổ sung quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã rõ và thống nhất với nhiều nội dung. Liên quan đến tên Luật và tên thẻ căn cước, qua thảo luận tại hội trường cho thấy hầu hết các đại biểu đều thống nhất với tên gọi. Tuy nhiên sau thảo luận có một số đại biểu gửi văn bản đề cập đến việc thay đổi nhiều, do đó, đề nghị phải có giải trình thêm vấn đề này. Theo đó, cần làm rõ thêm với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước và đổi tên thành thẻ căn cước sẽ tạo điều kiện cho các công tác quản lý nhà nước và thuận tiện cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch hành chính, dân sự. Đây là lý do cơ bản, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Về Trung tâm dữ liệu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo định hướng thì đây là một trung tâm kỹ thuật và không làm tăng biên chế mà Bộ Công an sẽ cân đối trong tổng biên chế được giao để bố trí lực lượng này.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh dự luật. Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo cơ bản nhất trí với những định hướng để hoàn chỉnh dự luật.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ dự án Luật Căn cước sau khi được thảo luận tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an và Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu hợp lý các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đạt đồng thuận cao. Dự thảo đảm bảo chất lượng về những yêu cầu đặt ra từ đầu khi xây dựng chính sách, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục nhấn mạnh thêm, khái quát thêm những vấn đề đã tiếp thu và một số ý kiến giải trình đầy đủ, hợp lý hơn./.
Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của ... |
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lên đường tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, ngày 14/11, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt ... |
Ông Đoàn Thanh Sơn được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Sáng 14/11, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã bầu ông Đoàn Thanh Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, giữ ... |