Tượng Nữ tướng Lê Chân ở Hải Phòng
Văn hóa - Thể thao 10/03/2021 12:00
Tương truyền, Lê Chân quê ở làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thuỷ An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Theo thần tích đền Nghè, cha Lê Chân là Lê Đạo và mẹ bà là Trần Thị Châu. Ông Lê Đạo làm nghề thầy thuốc, sống nhân từ, quảng đại, sẵn lòng bao dung cứu giúp kẻ nghèo khó, sa cơ lỡ bước. Bà vợ ông là người cũng nổi tiếng là người thuỳ mị, đảm đang và nhân đức.
Ngày mùng 8 tháng 2 năm Canh Thìn (20), bà sinh được một con gái má phấn môi son, mày ngài mắt phượng, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Ông bà đặt tên con là Lê Chân
Lê Chân lớn lên là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai Thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt. Vì thế họ đã bị Thái thú Tô Định sát hại. Lê Chân phải rời bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm. Thấy địa hình, đất đai thuận lợi, bà dừng lại lập trại khai phá. Cùng với thân quyến và người làng mà bà cho đón ra, Lê Chân còn phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản, tạo nên một vùng đất trù phú.
Tượng nữ tướng Lê Chân |
Nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của Nhân dân quanh vùng. Binh sĩ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận. Năm 40, Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, bà đã đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công. Lê Chân được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức Chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất.
Nữ tướng Lê Chân đem quân trở về vùng đất An Dương khi trước, mở thêm trại, ấp. Bà dùng nhân công khai khẩn đất hoang dọc ven sông Tam Bạc thành đồng ruộng cấy lúa, trồng dâu xanh tốt. Chỉ trong thời gian ngắn, trang An Biên dân cư đã đông đúc, kinh tế phát triển, nhiều nhà dân giàu có.
Năm 42, Mã Viện đưa quân sang xâm lược nước ta. Đội quân thường trực phòng thủ ven biển Đông Bắc do Chưởng quản binh quyền Lê Chân chỉ huy đã ra quân kịp thời chặn đánh quyết liệt đoàn thuyền binh đông đảo của giặc ngay từ cửa sông Bạch Đằng.
Suốt dọc sông Bạch Đằng, Đá Bạc, Lê Chân cho dựng chướng ngại vật trên sông, dùng những chiếc thuyền chiến nhỏ, nhẹ, dễ cơ động tập kích vào mạn sườn đoàn thuyền to lớn, nặng nề của giặc, làm chúng tổn thất không ít. Song do quá chênh lệch về lực lượng, trang bị, vũ khí so với địch nên nữ tướng phải lui quân.
Theo đường sông Bạch Đằng - Kinh Thầy - sông Đuống, thủy quân của Lê Chân tập kết về vùng hồ Tây, Hoàng Mai bên bờ hữu sông Hồng. Nữ tướng Lê Chân gấp rút củng cố lực lượng, tuyển thêm binh sĩ, đóng thêm thuyền chiến. Bà cho binh sĩ luyện tập võ nghệ gấp rút hành quân về bảo vệ kinh đô Mê Linh.
Nhưng do giặc quá mạnh, quân Hai Bà Trưng chống cự không nổi phải lui về Cấm Khê (Hà Nội). Để giữ khí tiết, Hai Bà đã trầm mình xuống sông Hát tự vẫn. Lê Chân đem quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn (nay thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam) nhằm khôi phục cơ đồ. Căn cứ vừa hình thành chưa được bao lâu thì Mã Viện đem lực lượng lớn tới tấn công, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng, Lê Chân đã lên núi Giát Dâu gieo mình tự vẫn quyết không sa vào tay giặc. Năm ấy bà vừa 23 tuổi.
Các vua đời sau cũng có chiếu phong bà là Thượng đẳng Phúc thần công chúa.
Để nhớ công ơn khai khẩn của Bà, Hải Phòng đặt tên một quận mang tên Bà và dựng tượng Bà tại gần trung tâm thành phố; đồng thời, tên của bà được đặt tên cho giải thưởng "Nữ tướng Lê Chân" để trao cho những phụ nữ có thành tích xuất sắc của đất Cảng.