Tối đa hóa lợi ích quốc gia thông qua đấu giá tài nguyên khoáng sản
Kinh tế 13/06/2022 14:12
Thể chế hóa nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2045, Chính phủ, các bộ ngành đã khẩn trương triển khai nghị quyết, trong đó việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về đấu giá tài nguyên khoáng sản là một trong các bước đi cụ thể.
Về đấu giá khoáng sản, ngày 14/2/2022 Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã họp hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Quy định ràng buộc đặt ra theo mốc thời gian, nếu trúng đấu giá mà không triển khai trong 2 - 3 năm thì sẽ bị thu hồi giấy phép được dư luận hoan nghênh. Ảnh: Internet |
Theo các chuyên gia của Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 22/2012/NĐ-CP phải làm rõ, phân biệt giữa hai khái niệm “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” và “Tiền trúng đấu giá để được khai thác khoáng sản”. Mức giá khởi điểm để đưa ra phiên đấu giá phải căn cứ vào giá của mỗi tấn tài nguyên khoáng sản thô tại các nước có khoáng sản tương tự nước ta, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.
Quy định trước đây về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (quy định tại Điều 5 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP) được dùng làm mốc xác định giá khởi điểm cho phiên đấu giá khoáng sản, mà không căn cứ vào diễn biến thực tế của giá khoáng sản thô trên thị trường, có thể chưa gây thiệt hại trước mắt, nhưng về lâu về dài có thể thiệt hại cho nguồn thu ngân sách quốc gia, do giá khoáng sản biến động liên tục theo hướng tiệm tiến.
Đơn cử, Trung Quốc đã ban hành quy định về “giá quyền khai thác chuẩn trên thị trường”, là mức giá để doanh nghiệp được quyền khai thác các loại khoáng sản khác nhau xác định trong một khoảng thời gian nhất định, căn cứ theo các yếu tố như trữ lượng tài nguyên, mức độ khó hoặc dễ khai thác, nhu cầu sử dụng và mức độ bảo vệ tiết kiệm tài nguyên.
Đặc biệt, mức giá chuẩn thị trường của các loại khoáng sản thô này chỉ có hiệu lực trong 3 năm, sau đó điều chỉnh theo diễn biến thực tế.
Tại Ấn Độ, chính phủ nước này tổ chức đấu giá quyền khai thác quặng thô 2 năm một lần, kèm theo các điều kiện nhằm ràng buộc tổ chức trúng đấu giá vào khai thác. Chẳng hạn, lượng quặng thô mua qua cuộc đấu giá tối thiểu 10 nghìn tấn trở lên, giá trúng đấu giá chỉ có hiệu lực trong 90 ngày…, chưa kể tiền cấp quyền khai mỏ và thuế tài nguyên phải nộp.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là một quốc gia giàu tài nguyên, trong đó có khoáng sản niken để làm pin xe điện, hay khoáng sản bauxite, than cũng được đấu giá. Căn cứ xây dựng giá khởi điểm là giá thị trường tại thời điểm đấu giá của loại khoáng sản đó, tính trên đơn vị mỗi mét khối khoáng sản dạng nguyên khai.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, dự thảo nghị định lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu sửa quy định về đấu giá tài nguyên khoáng sản theo hướng xác định rõ sự ràng buộc người trúng đấu giá phải tiến hành làm thật, cấm hành vi trúng đấu giá - được cấp quyền khai thác xong lại chuyển nhượng công ty, xem như bán giấy phép khai khoáng để kiếm lời. Việc ràng buộc đặt ra theo mốc thời gian, nếu “anh” không triển khai trong 2 - 3 năm, “anh” sẽ bị thu hồi giấy phép.
“Ngoài ra, cơ quan soạn thảo nên tham khảo phương án đấu giá tài nguyên tính theo mỗi tấn sản lượng khoáng sản nguyên khai được đào lên; xây dựng mức giá khởi điểm phải sát giá thị trường, như cách Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc đang làm. Làm như vậy vừa tối đa hóa lợi ích từ tài nguyên khoáng sản cho ngân sách địa phương và nguồn thu quốc gia, vừa giúp tiết kiệm tài nguyên khoáng sản một cách căn cơ”, ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.