Tổ chức cưới sao cho... hài hòa, thân thiện
Nghiên cứu - Trao đổi 19/09/2022 09:27
Cưới hỏi là nghi lễ dân gian truyền thống, pha chút tín ngưỡng của người Việt, có từ xa xưa. Chỉ khác là ngày nay, đời sống đã ở tầm cao mới, do vậy việc cưới hỏi cũng được nâng lên. Giờ không thể rước dâu đơn thuần mà thường phải có lễ đi kèm; tùy theo vùng miền có thể là tiền mặt + hoa quả + bánh kẹo + chè rượu + trầu cau. Có phù dâu, phù rể, đi xe ô tô đẹp, trang phục lộng lẫy, pháo hoa chúc mừng… hoành tráng, sang trọng.
Rồi tổ chức lễ cưới. Dựng rạp to, trang hoàng toàn hoa tươi nhập khẩu, cỗ cưới hàng trăm mâm, tổ chức ăn 2-3 ngày. Đồ ăn được tuyển chọn kĩ, ngon, đắt tiền như hải sản tươi sống… được đưa vào chế biến và người đến ăn cũng đủ các thành phần, long trọng…
Tuy nhiên, có thể nói rằng: Cưới xin chỉ là thủ tục báo hỉ, tuyên bố lí do với xóm làng, phố xá, họ mạc gần xa là con, cháu, anh em… đã kết hôn, đã là vợ chồng. Đã được 2 bên gia đình chấp thuận, có đủ Giấy đăng kí kết hôn theo luật định. Và sau tiệc cưới, là cuộc sống mới của 2 người cùng chung một nhà, cùng tạo dựng cuộc sống, duy trì nòi giống và làm nghĩa vụ công dân.
Ảnh minh hoạ |
Nếu trai gái tìm hiểu nhau kĩ lưỡng, hòa hợp quan điểm, đủ đầy tình yêu thương, cả 2 cùng phấn đấu lao động tạo đà vững chắc xây dựng gia đình ổn định phát triển hài hòa tốt đẹp. Con cái sinh ra được chăm sóc, dạy dỗ tốt là những mầm non tương lai của đất nước. Đất nước tồn tại, phát triển hay không phụ thuộc vào mức sinh. Nếu tỉ lệ sinh thấp sẽ khó mà phát triển, thậm chí dân tộc đó theo thời gian có thể không trường tồn. Nếu tỉ lệ tăng dân số quá cao sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ: Khó khăn về chỗ ở, thiếu thốn về điều kiện sống (lương thực, thực phẩm) và về công ăn việc làm, về chăm sóc y tế, an sinh xã hội… Cho nên các quốc gia thường duy trì mức sinh ở trên trung bình là phù hợp…
Nếu nam nữ kết hôn mà tìm hiểu nhau chưa kĩ, bất đồng quan điểm, sau này cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mâu thuẫn ngày càng tăng lên, kéo theo nhiều hệ lụy. Chưa có con nếu chẳng may chia tay hệ lụy sẽ ít hơn; nhưng đã có con khi li hôn con cái bị tan đàn, sẻ nghé, có khi trở thành gánh nặng cho xã hội. Cả 2 nếu xây dựng gia đình mới, thì những đứa trẻ có thể sống với cha dượng hoặc mẹ kế. Đây là nguồn cơn của nạn bạo hành trẻ em. Nhiều trẻ bị đánh đập tàn bạo, bị hãm hiếp (nếu là con gái), thậm chí bị giết hại dã man mà chúng ta vẫn nghe các phương tiện truyền thông đưa tin ở đây đó trên khắp mọi miền đất nước…
Đã có rất nhiều trường hợp tổ chức cưới xin rất to, ở những nhà hàng sang trọng, ăn nhiều mâm, tặng nhiều vàng cho cô dâu, chú rể… Nhưng chỉ 1-2 hoặc vài năm sau, thì đủ các loại mâu thuẫn xảy ra và “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”, con cái chia đôi, thậm chí ai nuôi cũng được. Thế thì, cưới xin tổ chức to bằng mấy, cho nhà, cho của bao nhiêu đi nữa, cũng trở thành vô nghĩa…
Trong cuộc sống hiện nay, không phải nhà nào cũng có điều kiện. Rất nhiều nhà còn khó khăn, “mùa cưới” đến cũng là mùa "trả nợ miệng" kiểu đâm theo lao thì phải theo lao. Thế là cưới xin cho con, cháu trở thành nỗi ám ảnh, phải vay mượn, phải thuê mướn, trong khi gia đình lại neo đơn, nghèo túng. Có không ít tiệc cưới bị các nhóm thanh niên uống bia, rượu vào lời ra, biến thành chỗ giải quyết mâu thuẫn, đập phá, đánh nhau gây đổ máu. Hoặc tàn cuộc rượu chè, đánh chén no say, đi xe máy phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn giao thông, hay những đám do dựng rạp ở ngoài đường giao thông, đường hẹp, các xe ô tô lưu thông đông, xe mất lái tông vào gây tai nạn cho nhiều người…
Do vậy, tổ chức đám cưới nên tùy theo điều kiện kinh tế gia đình "Tùy gia phong kiệm", mà tổ chức sao cho phù hợp, hài hòa. Không khua chuông, gõ trống ầm ĩ, không ra vẻ ta đây làm cho khác đời, khác người. Thực hiện nếp sống văn minh và làm sao để các cặp vợ chồng mới này có cuộc sống bền lâu, hạnh phúc, góp phần giữ gìn bản sắc chung của dân tộc, của đất nước, chăm sóc con cái ngoan ngoãn, trưởng thành.