Tỉnh Vĩnh Phúc: Tập trung phòng, chống Covid- 19 để ổn định sản xuất ở các doanh nghiệp
Xã hội 04/06/2021 09:20
Xét nghiệm sàng lọc SARS-COV-2 "lá chắn" bảo vệ an toàn các doanh nghiệp
Theo chỉ đạo quyết liệt "Chống dịch như chống giặc" của Chính phủ và của tỉnh, nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập vào các doanh nghiệp, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định; cùng với kết hợp với "5K" và nhiều biện pháp cụ thể khác, doanh nghiệp trong các KCN chủ động xét nghiệm sàng lọc SARS-COV-2 cho cán bộ, công nhân viên, người lao động với sự khẩn trương và tinh thần trách nhiệm cao nhất, qua đó tạo tâm lí ổn định cho người lao động yên tâm sản xuất.
Ban quản lí các KCN đã chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, phổ biến đến các doanh nghiệp chủ trương xã hội hóa xét nghiệm Covid-19 theo chỉ đạo của tỉnh; cử cán bộ đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc lấy mẫu của các doanh nghiệp; kịp thời giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc, phát sinh giữa các doanh nghiệp với đơn vị lấy mẫu. Đến nay, 100% doanh nghiệp trong và ngoài KCN thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo các Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg… và chỉ đạo của tỉnh; thực hiện giám sát lịch trình đi lại, làm việc của đội ngũ lãnh đạo, quản lí doanh nghiệp, các chương trình làm việc giữa các đối tác.
Xét nghiệm Covid-19 trong Tập đoàn Pime ở Vĩnh Phúc. Ảnh Khánh Linh |
Hiện nay, đã có hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc kí hợp đồng với 4 đơn vị lấy mẫu xét nghiệm SARS- COV-2 là: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt với tổng công suất khoảng 2.680 mẫu đơn/ngày, 12.000 - 24.000 mẫu gộp/ngày, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch của tỉnh.
Việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân các doanh nghiệp có ý nghĩa lớn trong công tác phòng, chống dịch; khẳng định chủ trương của tỉnh là đúng đắn, kịp thời. Sự vào cuộc hưởng ứng của các doanh nghiệp đã giúp cho công nhân, người lao động yên tâm sản xuất, góp phần chung tay cùng tỉnh sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Tỉnh cùng các doanh nghiệp chủ động đổi mới điều hành và phương án sản xuất - kinh doanh
Dịch Coovid-19 bùng phát trở lại lần thứ 2 ở tỉnh Vĩnh Phúc ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp. Cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Tỉnh ủy - HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo hỗ trợ cụ thể như: Tìm kiếm nguyên vật liệu; lao động; xúc tiến thương mại; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ tài chính, tín dụng; giãn nộp thuế, phí, lệ phí... Cùng đó, tỉnh nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, đổi mới, sáng tạo xúc tiến đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhằm tạo ra sức hấp dẫn mới.
Các sở, ngành, cơ quan trong tỉnh chủ động hướng dẫn, tư vấn cho nhà đầu tư, chủ đầu tư về trình tự, thủ tục, cung cấp thông tin liên quan đến dự án nhà đầu tư quan tâm. Lãnh đạo tỉnh thực hiện những cam kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc cung cấp điện, các dịch vụ thiết yếu đến chân hàng rào các khu - cụm công nghiệp, dự án, tạo điều kiện tối đa cho những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án SXKD.
Đổi mới tổ chức bộ máy xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung một đầu mối; ưu tiên thu hút đầu tư đối với những nhà đầu tư lớn, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Trong điều kiện dịch bệnh, cách thức vận hành bộ máy xúc tiến đầu tư được tiến hành qua việc đa dạng hóa các kênh Internet, kênh ngoại giao; tăng trao đổi trực tuyến, giảm trao đổi trực tiếp..., đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát thông tin để doanh nghiệp, công nhân lao động yên tâm, ổn định tâm lí làm việc.
"Trong cái khó, ló cái khôn", với tinh thần tự lực, năng động, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng nỗ lực hết mình, chủ động khắc phục khó khăn, tìm ra hướng đi mới thích ứng với tình hình, duy trì SXKD và tạo việc làm cho người lao động. Nhiều sáng kiến được phát huy; nhiều giải pháp được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Trong đó, chủ động nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất... là những giải pháp chính, không chỉ để duy trì ổn định SXKD trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, mà còn là phương án hoạt động lâu dài, phù hợp với yêu cầu đổi mới... Từ việc tập trung phòng, chống Covid -19 để ổn định sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc còn chú trọng công tác an sinh xã hội, chăm lo hướng dẫn toàn dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt quan tâm là lớp người cao tuổi, có sức khỏe yếu và nhiều bệnh nền.
Ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, "đúng và trúng" của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; cùng tinh thần vượt khó, chủ động các giải pháp duy trì hoạt động thích ứng với tình hình, đi đôi với năng động, bền bỉ phòng chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có những bước phục hồi mạnh mẽ, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kép: Vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển mạnh kinh tế.