Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội
Văn hóa - Thể thao 18/04/2020 09:40
Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội – là tiêu chí hàng đầu được BQL các di tích, BTC lễ hội và chính quyền địa phương đẩy mạnh nhằm tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc mọi khuyến cáo, chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL)…
Mới đây, Bộ VH,TT&DL đã ban hành kế hoạch tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội năm 2020 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lí và tổ chức lễ hội. Mục tiêu tuyên truyền nhằm giảm bớt những hình ảnh phản cảm, chen lấn, xô đẩy, thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, hướng tới xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, lành mạnh trong hoạt động lễ hội.
Những năm qua, công tác quản lí và tổ chức lễ hội trên cả nước đã dần đi vào nền nếp. Hầu hết các lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân. Đáng chú ý, nhiều lễ hội từng là “điểm nóng”, khiến dư luận bức xúc bởi những hình ảnh không đẹp, đi ngược định hướng xây dựng nếp sống văn minh, đến nay cũng đã có chuyển biến tích cực như lễ hội đền Trần, chùa Hương, lễ hội chọi trâu tại một số tỉnh, thành…
Giỗ Tổ Vua Hùng 2020 diễn ra gọn gàng với nghi thức dâng hương trang nghiêm, an toàn |
Diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đối với mùa lễ hội năm nay khiến cho các lễ hội đồng loạt tạm dừng tổ chức. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt này cũng được nhìn nhận, đánh giá dưới một góc độ khác. Nhiều địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội đã khẩn trương thay đổi kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn ở mức độ cao nhất. Các lễ hội lớn dịp đầu Xuân như Lễ hội Đền Trần, Lễ hội chùa Hương, Yên Tử… đều cắt bỏ các hoạt động phần hội, chỉ tổ chức nghi lễ dâng hương thành kính. Giỗ Tổ Hùng Vương 2020 sau nhiều điều chỉnh về nội dung, quy mô, hình thức tổ chức…, đã diễn ra gọn gàng với những nghi thức dâng hương trang nghiêm, an toàn.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH,TT&DL: “Kể từ khi Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, tại các địa phương, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật, trong đó có các quy định về thực hiện nếp sống văn minh đã được đặc biệt chú trọng”.
Nghị định với nhiều nội dung điều chỉnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội như: Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Nghi lễ phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm. Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân…
Nghị định cũng nhấn mạnh về trách nhiệm của người tham gia lễ hội: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh. Ứng xử có văn hóa trong lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mĩ tục…
Bên cạnh các lễ hội lớn gắn với những di tích lớn, trọng điểm thu hút đông người đồng loạt dừng tổ chức, một số di tích, danh thắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đã tạm dừng việc mở cửa đón khách, tránh tụ tập đông người. BQL các di tích, BTC các lễ hội và chính quyền địa phương đều chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong thực thi pháp luật về thực hiện các nếp sống mới thời chống dịch Covid-19, phổ biến nhất là những yêu cầu như bắt buộc đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn, đo thân nhiệt, không tụ tập đông người…