Tấm lòng son của hai người vợ liệt sĩ
Phát huy vai trò NCT 15/09/2022 11:01
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng khác được Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo thực hiện kịp thời, chu đáo. Ngoài việc vận động Nhân dân đóng góp ngày công lao động, xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ tiêu biểu cho 2 người vợ liệt sĩ là cụ Ngô Thị Lại, sinh năm 1942 (thôn Huyện) và cụ Trần Thị Bé, sinh năm 1936 (thôn Thuận Lý) ở vậy thờ chồng, sống trọn đạo làm dâu.
Theo lời giới thiệu của bà Ngô Thị Thảo, cán bộ Ban Thương binh xã, tôi về thôn Huyện để tìm gặp gia đình cụ Ngô Thị Lại. Cụ Lại lưng còng, tai điếc, dáng gầy gò. Tôi phải nói thật to, cụ hiểu ý cười tươi, kể chuyện đời lúc nhớ lúc quên.
Năm 17 tuổi cũng như bao người phụ nữ trong thôn cùng trang lứa, nghỉ học vâng lời cha hiểu ý mẹ lên xe hoa về nhà chồng kết duyên cùng anh Trần Văn Huân cùng thôn, lại đồng niên. Hai người sống với nhau những ngày trăng mật chỉ trong khoảnh khắc. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh Huân lên đường nhập ngũ, làm trọn bổn phận trai thời loạn. Tôi nhớ không sai, năm 1963, kề sát tai tôi anh Huân nói nhỏ "Giá chúng mình có một đứa con". Biệt tăm tích tin chồng, mong thư anh về, càng mong càng mất. Thế rồi ngày 30/4/1964 nhận tin sét đánh, anh Huân hi sinh trong khi làm nhiệm vụ ở Nghệ An. Nén nỗi đau thương chồng bao nhiêu, tôi lại càng cố gắng làm trọn bổn phận dâu hiền của người vợ liệt sĩ bấy nhiêu.
Năm 1966, cụ Lại cẩn thận xin phép hai bên gia đình nội ngoại khăn gói rời quê đi công tác, làm ở Xí nghiệp may quân nhu tỉnh Bắc Ninh. Cụ gắn bó, lao động nhiệt tình với xí nghiệp gần 20 năm. Do sức khỏe không ổn định, để phục vụ lâu dài, năm 1984 cụ nghỉ chế độ mất sức. Theo dòng chảy thời gian, thấy hoàn cảnh gia đình vợ liệt sĩ quá khó khăn về nơi ăn chốn ở, phải sống chật vật trong ngôi nhà cấp 4 xây từ thời bao cấp đã xuống cấp nghiêm trọng, năm 2015, Công ty May 7 cùng Quân khu 7 tài trợ xây ngôi nhà tình nghĩa tặng cụ. Từ đấy cụ Lại được sống trong ngôi nhà đàng hoàng, to đẹp hơn.
Vào năm 2013, cụ Lại cùng gia đình vào Nghệ An đón hài cốt liệt sĩ Trần Văn Huân trở về nghĩa trang liệt sĩ quê mẹ. Trong sâu thẳm đôi mắt đẫm lệ, cụ nhớ lời chồng nói trước lúc lên đường “Giá chúng mình có một đứa con”!
114 liệt sĩ của xã Tiến Dũng, mỗi người một hoàn cảnh. Tôi về thôn Thuận Lý tìm hiểu hoàn cảnh gia đình vợ liệt sĩ, cụ Trần Thị Bé. Cụ đã bước sang tuổi 86, đi lại quá khó khăn, cụ chia sẻ: Ông nhà tôi tên là Nguyễn Văn Bài, sinh năm 1936. Năm 1966 nhập ngũ rồi đi B, hi sinh tại chiến trường miền Nam năm 1967, hiện nay gia đình vẫn chưa có thông tin về nơi an táng. Chúng tôi có 2 người con, 1 trai, 1 gái. Tôi ở vậy nuôi con khôn lớn trưởng thành, nay đã duyên nào phận nấy. Năm 2015, cấp trên cho 6 triệu đồng cùng với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, bà con họ hàng hai bên nội ngoại giúp sửa ngôi nhà cho tôi để có chỗ hương khói ông ấy.
Tôi đã đón cụ Lại trở về nhà cụ Bé để hai chị em U80 cùng hàn huyên chuyện một thời con gái lấy chồng nhà binh. Ánh mắt hai cụ sáng lên niềm vui khi được cùng nhau chụp hình lưu niệm.