Tác hại không ngờ của tư thế ngồi vắt chéo chân được nhiều người ưa thích
Sống khỏe 01/12/2022 13:08
Cản trở tuần hoàn máu
Tư thế ngồi vắt chéo chân từ lâu đã được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là phái đẹp khi diện đầm, váy ngắn và đi giày cao gót. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người không nên sử dụng tư thế này nhiều bởi nó có tác động xấu đến sức khỏe. Đầu tiên phải kể đến việc, ngồi vắt chéo chân sẽ làm tăng huyết áp nhẹ tạm thời do việc đặt đùi này lên trên đùi kia làm tăng lượng máu đẩy đi từ tim, khiến huyết áp tăng.
Chưa kể, ngồi vắt chéo chân sẽ khiến máu ở mắt cá chân bị cản trở lưu thông, làm chân bị phù nề, đặc biệt ở vùng cổ chân. Do đó, cần xoa bóp nhẹ từ mắt cá lên đùi nhằm giảm nguy cơ tạo cục máu đông trong mạch máu ở chân.
Vì vậy, với những người có nguy cơ bị tụ máu hoặc đang bị phù nề, bong gân hay tổn thương xương khớp cổ chân được khuyên không nên ngồi bắt chéo chân vì việc này cản trở lưu thông máu có thể tăng nguy cơ huyết khối hình thành sâu trong mạch.
Tư thế ngồi vắt chéo chân có nhiều tác động xấu đến cơ thể |
Gây suy giãn tĩnh mạch và thoái hóa xương khớp
Như đã nói ở trên, khi ngồi vắt chéo chân, áp lực tĩnh mạch sẽ tăng lên, cản trở máu lưu thông, khiến cho các van mạch máu thu hẹp và yếu dần lại. Bình thường những van nhỏ trong mạch máu giúp ngăn cản máu bị chảy sai hướng, nhưng nếu các van này bị yếu đi, máu có thể tụ lại, tạo nên các tĩnh mạch lớn được gọi là tĩnh mạch bị giãn.
Do đó việc thường xuyên ngồi vắt chéo chân sẽ có nguy cơ gây suy giãn tĩnh mạch, mặc dù chứng bệnh này chủ yếu xuất hiện do gen di truyền, ánh nắng và đứng quá lâu.
Thêm vào đó, vắt chéo chân sẽ dồn áp lực lên dây thần kinh mác ở phía sau đầu gối. Bởi vậy, ngồi vắt chéo chân trong thời gian dài có thể khiến chân hoặc bàn chân của bạn bị tê liệt và giảm lượng máu lưu thông ở chân. Lúc này, các ngón chân của bạn cũng tê buốt và cử động không đúng hướng. Nó gây ra những cơn đau râm ran như thể các cơ đang bị ghim hay kim châm vào vậy.
Lẽ tất yếu khi máu huyết không lưu thông, cơ bắp tê cứng thì xương khớp cũng bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia vật lý trị liệu, việc ngồi vắt chéo chân thường xuyên sẽ khiến bạn sẽ có nguy cơ đau lưng và đau cổ. Bởi lúc này, hông hơi xoắn lại khiến khung chậu mất thăng bằng, từ đó gây áp lực lên cột sống và dẫn đến các cơn đau. Ngồi vắt chéo chân liên tục hàng ngày, hàng tuần là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đau lưng, cổ và thoát vị đĩa đệm.
Nguy cơ vẹo lưng, lệch dáng
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người ngồi bắt chéo chân quá ba tiếng mỗi ngày thường có xu hướng đi hơi nghiêng về phía trước, lưng không thẳng. Các chuyên gia khuyến cáo cần luôn giữ lưng thẳng bằng cách ngồi đúng cách như sau: Đầu gối song song và cẳng chân vuông góc với sàn sẽ giúp cho xương sống khoẻ và vóc dáng đẹp hơn.
Phụ nữ mang thai khi ngồi vắt chéo chân sẽ gây nhức vùng lưng chậu |
Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản
Phái đẹp thường có thói quen ngồi chéo chân mà không biết rằng đây là một trong những yếu tố gây bệnh phụ khoa cao hơn so với người không sử dụng tư thế này. Lý do là bởi khi ngồi vắt chân sẽ khiến nhiệt độ vùng chậu bị tăng lên, hình thành môi trường nóng ẩm ở vùng kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, lâu dần có thể gây viêm âm đạo và các bệnh phụ khoa khác. Tương tự đối với nam giới, tư thế ngồi này cũng sẽ cản trở quá trình hình thành tinh binh, gây suy giảm sinh lý.
Ngoài ra, ở phụ nữ mang thai, cơ thể vốn đã nặng nề mệt mỏi và các bà bầu ở tam cá nguyệt thứ ba thường bị phù nề chân, suy giãn tĩnh mạch. Nếu mẹ bầu còn ngồi vắt chéo chân thì chẳng khác nào tự gây hại cho bản thân và thai nhi.
Do đó có thể khẳng định rằng, ngồi vắt chéo chân là một thói quen không tốt, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người và là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh tật. Tư thế tốt nhất khi ngồi là đặt 2 chân lên sàn nhà để cân bằng trọng lượng cơ thể.
Khi muốn thay đổi tư thế, thay vì vắt chéo chân, chỉ cần dịch cả hai chân sang một bên hoặc nhẹ nhàng bắt chéo chân ở mắt cá. Đây là điều mà chị em phụ nữ cần lưu ý, kể cả khi mặc đầm váy hoặc mang giày cao gót. Bởi khi ngồi như vậy sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ gây hại về sức khỏe. Đồng thời, bất cứ một tư thế nào nếu được duy trì quá lâu cũng sẽ không tốt cho sức khỏe nên đôi chân thỉnh thoảng cần được di chuyển qua lại để máu dễ dàng lưu thông hơn.