Sức sống đờn ca tài tử Nam Bộ
Nhịp sống văn hóa 07/02/2020 11:08
ĐCTT là một dòng nhạc dân tộc ở vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ XIX, bắt nguồn từ nhạc Lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đây là loại hình diễn tấu có ban nhạc, gồm 4 loại nhạc cụ: Đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này cách tân thay thế “độc huyền cầm” bằng đàn ghi-ta phím lõm. Tuyệt tác đỉnh cao của ĐCTT là bản “Dạ cổ hoài lang” (ra đời năm 1919) của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Thời gian dài khi cải lương trải qua biến cố thăng trầm thì ĐCTT Nam Bộ vẫn âm thầm sống, như nguồn huyết mạch chảy trong đời sống dân gian. Hiện nay ĐCTT là “đặc sản” không thể thiếu trong các làng du lịch sinh thái miệt vườn, giao lưu, lễ hội... Du khách khi đến đây đều thật sự bị cuốn hút bởi những ngón đờn điêu luyện hay một giọng ca ngọt ngào mê đắm lòng người. Ngày 5/12/2013, UNESCO đã vinh danh ĐCTT là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
ĐCTT xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những người dân mở đất phương Nam. Với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường, hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất sông nước miệt vườn này đã trở thành cốt cách của người Nam Bộ.
Là loại hình nghệ thuật được lưu truyền rộng rãi trong dân gian nhưng ĐCTT lại có nguồn gốc từ âm nhạc cung đình. Giới tài tử không lạ gì những bậc thầy đã sáng tạo ra ĐCTT như Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (ông ba Đợi - vốn là nhạc quan triều Nguyễn), Trần Quang Quờn (thầy Ký Quờn) hay Lê Tài Khị (Nhạc Khị). Đây là những bậc kì tài, am hiểu sâu sắc về nhạc cổ. Vì thế, chữ “tài tử” trong đờn ca tài tử hàm ý chỉ những người có tài, am hiểu sâu về niêm luật và nhạc cổ.
Hơn nửa thế kỉ gắn bó với ĐCTT, nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh (sáu Lơn) cho biết: “ĐCTT lấy 20 bài bản tổ “làm chánh” với đủ các làn hơi Bắc - Hạ - Nam - Oán. Nhìn tổng thể, ĐCTT có đến mấy trăm bài lớn, nhỏ với đủ các cung bậc cảm xúc hỉ - nộ - ái - ố. Tuy là nền âm nhạc có nguồn gốc từ chốn cung đình nhưng nội dung của ĐCTT lại hết sức giản dị, gần gũi và dễ tiếp thu. Đó là cơ sở để loại hình âm nhạc này “thấm sâu” vào nhận thức của người dân Nam Bộ vốn quen với cuộc sống chân thành, giản dị, phóng khoáng”.
Cách sinh hoạt ĐCTT cũng khá đơn giản, chủ yếu xuất phát từ “cái tình” của những người tài tử với nhau. “Nếu gia đình nào có điều kiện, có thể làm tiệc nhỏ rồi mời những anh em tài tử đến chung vui. Không nhất thiết phải biết nhiều bài bản, chỉ cần có tấm lòng và những am hiểu nhất định về niêm luật, nhịp nhàng là được”, nghệ nhân sáu Lơn nhớ lại.
Vì là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân và được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể nên ĐCTT dần tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ.