Phim lậu và câu chuyện “muôn thuở” về bản quyền
Nhịp sống văn hóa 08/06/2021 18:14
Các trang web phim lậu chạy quảng cáo cá độ, cờ bạc liên tục trên giao diện |
Nhiều trang web vi phạm bản quyền ngang nhiên tồn tại
Cuối tháng 4 vừa qua, cư dân mạng phát hiện một số website xem phim lậu lớn như phimmoi.net hay phimmoizz.net bất ngờ biến mất. Khi truy cập vào các tên miền này, người dùng nhận được thông báo với nội dung “Error 522”. Thực tế, đây được biết đến là những website cung cấp phim lớn nhất nhì Việt Nam và hoàn toàn miễn phí. Ngay sau đó không lâu, người ta phát hiện các trang web nói trên đã “biến thể” thành tên miền tương tự, chỉ khác một ký tự trên đó để “qua mặt” cơ quan chức năng. Trước đó, website phim lậu này từng liên tục đổi tên miền, từ phimmoi.net đến phimmoiz.net rồi sang phimmoizz.net,... để tránh “tuýt còi”.
Bà Grace Chui, luật sư cao cấp về bảo vệ nội dung, thuộc Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ khu vực châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận, công nghệ thông tin phát triển khiến chúng ta quảng bá rộng rãi tác phẩm nghệ thuật không giới hạn biên giới, nhưng điều này cũng khiến cho những hành vi vi phạm bản quyền ngày càng nghiêm trọng. “Các trang web xem phim lậu khét tiếng như Phimmoi, Motphim, Phephim… hiện đang hoành hành thị trường. Chúng cho phép người dùng xem phim miễn phí và thu lợi nhuận qua việc quảng cáo. Khi truy cập vào đây, các quảng cáo chạy liên tục không bao giờ dứt, gây tác hại rất lớn, ảnh hưởng đến ngân sách của các quốc gia và hoạt động sáng tạo nói chung. Hiện chúng tôi đang tiếp tục điều tra nhưng rõ ràng không kiểm soát nổi, chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan Chính phủ và hệ thống pháp luật vào cuộc”, bà Grace Chui bày tỏ.
Theo các chuyên gia truyền thông, những website phim lậu đều sử dụng tên miền quốc tế, cách thức mua tên miền rất đơn giản với giá chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/năm. Vì vậy, cứ mỗi khi có một trang bị “tuýt còi” sẽ ngay lập tức xuất hiện một trang khác thay thế.
Khó bảo vệ thành quả nghệ thuật
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD), việc tôn trọng bản quyền có nhiều cấp độ và giai đoạn khác nhau. “Ở Việt Nam ăn trộm một chiếc xe máy đã có thể đi tù, trong khi vi phạm bản quyền vẫn chưa có chế tài đủ mạnh”, bà Hạnh thẳng thắn và kể lại câu chuyện, trước đây khi BHD phát hành phim Cô Ba Sài Gòn, mấy ngày đầu các bạn trẻ vào rạp (ở Bà Rịa - Vũng Tàu) ngang nhiên livestream bộ phim. Nhà phát hành BHD và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân phải đi xuống tận nơi để làm việc với cơ quan công an, thì mức phạt cao nhất cho các bạn có hành vi vi phạm bản quyền cũng chỉ đến 15 triệu đồng. Theo bà Hạnh, tài sản trí tuệ ở Việt Nam hiện chưa được nhiều người hiểu và coi trọng. “Không chỉ phim truyện điện ảnh, các bộ phim truyền hình cũng bị vi phạm rất nhiều trên mạng”, đại diện BHD cho hay và bày tỏ rằng đó chính là nỗi niềm đau đáu của những nhà làm phim Việt Nam, phải làm gì để mọi người có thể coi thành quả trí tuệ là tài sản thật sự.
“Rất khó để xây dựng những trang web xem phim chính thức có thu tiền người tiêu dùng, bởi web lậu cung cấp phim hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, có thật sự hoàn toàn là miễn phí hay không khi mà người tiêu dùng truy cập vào thì phải xem, đọc rất nhiều quảng cáo về cá độ, cờ bạc, thậm chí cả những vấn đề rất nhạy cảm”, một nhà phát hành bức xúc. Còn nhà sản xuất Đinh Thị Thanh Hương thì lo lắng: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, phim online phát triển nhưng có sự tràn lan, ít qua kiểm duyệt về nội dung và bản quyền. Liệu có khi nào phim online nhiều và dễ dãi như vậy sẽ thay thế được phim rạp? Có thể thấy tương lai phim rạp bị ảnh hưởng rất lớn. Những nhà làm phim chúng tôi sẽ phải tính toán lại, có khi phải bớt sản xuất phim Việt chiếu rạp”.
Theo TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL), Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, tác phẩm điện ảnh là công trình tập thể, là tài sản sáng tạo của rất nhiều người. Điện ảnh là ngành đặc thù, vì thế phương thức bảo vệ cũng sẽ hoàn toàn khác, rất mong trong Luật Điện ảnh sửa đổi cần đưa vào nội dung bảo vệ bản quyền. Làm thế nào để vừa bảo đảm được quyền lợi của tác giả, vừa bảo đảm điều kiện cho sự phát triển của công nghệ hiện đại, lại vừa hài hòa với nhu cầu được thông tin kịp thời của toàn xã hội là bài toán cần được các nhà hoạch định chính sách, giới chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và các nhà luật học có những giải pháp hợp lí, kịp thời.