Cánh tay nối dài
Đây là nguồn thông tin vô tận cũng là những cây bút tiềm năng và vô cùng nhiệt huyết. Mạng lưới CTV càng dày, càng rộng thì càng thể hiện quy mô và độ phủ sóng mạnh mẽ của tờ báo. Mỗi năm, Báo Người cao tuổi nhận được hàng chục nghìn tin, bài, ảnh phản ánh sinh động mọi mặt đời sống xã hội từ lực lượng CTV, trong đó có CTV các tỉnh phía Nam.
Lượng tin, bài của CTV có mặt đều khắp ở các lĩnh vực tuyên truyền, nhằm mang đến cho bạn đọc, những thông tin chính xác và đầy đủ trên các chuyên trang, chuyên mục của Báo viết và Báo điện tử ngaymoionline như: Tin tức hoạt động Hội; Phóng sự xã hội, Tuổi cao - Gương sáng; Hiến kế - Hiến công; Nhịp sống văn hóa; Văn hóa - Thể thao; Ý kiến bạn đọc, Bạn đọc viết, Điều tra qua đơn thư bạn đọc… là những sản phẩm có sự tham gia rõ nét của CTV và được đông đảo độc giả quan tâm đón nhận. Có những thông tin phản ánh sự kiện ban đầu của các CTV, Báo triển khai để phóng viên thực hiện các bài viết phản ánh được vấn đề xã hội đang quan tâm, được bạn đọc hoan nghênh.
|
Bạn đọc với Báo Người cao tuổi |
Hiện nay, Báo Người cao tuổi có trên 300 CTV trên khắp cả nước, trong đó có 200 CTV thường xuyên gửi tin, bài, ảnh, với tỉ lệ sử dụng khoảng 60-70% dung lượng, giúp Báo có nội dung tuyên truyền phong phú, phản ánh chân thực cuộc sống ở cơ sở, mang đậm tâm tư, tình cảm của NCT trên các ấn phẩm như: Báo Người cao tuổi thường kì, Người cao tuổi cuối tuần, Người cao tuổi hằng tháng; riêng Báo điện tử ngaymoionline liên tục cập nhật thông tin hoạt động Hội, thời sự trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCT… Bên cạnh đó, CTV góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, duy trì lượng phát hành ổn định và làm nổi bật nhiều chủ đề, sự kiện quan trọng của các cấp Hội NCT từ TW tới địa phương, thời sự trong nước và quốc tế.
Sự đồng hành mật thiếtNhững năm gần đây, do điều kiện khó khăn, nhất là với một tờ báo hoàn toàn tự chủ về kinh tế như Báo Người cao tuổi nên chưa có điều kiện họp CTV các tỉnh khu vực phía Nam. Năm nay, với sự nỗ lực của Tòa soạn, đặc biệt là Văn phòng Thường trú của Báo tại TP Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Báo tổ chức họp CTV khu vực phía Nam gồm 21 tỉnh từ Ninh Thuận trở vào. Đây là dịp hội ngộ các CTV có nhiều năm cộng tác, xây dựng “ngôi nhà chung” Báo Người cao tuổi; đồng thời cũng là cách Báo tri ân các CTV có nhiều năm gắn bó và là cơ hội để các tác giả bày tỏ nguyện vọng, giúp quá trình hợp tác ngày càng khăng khít, chất lượng, hiệu quả.
Dù dặm dài xa ngái, nhưng CTV các tỉnh phía Nam thực sự cố gắng không chỉ thực hiện nhanh thông tin thời sự, mà nhiều CTV đã gửi đến tòa soạn những bài viết có chất lượng cao, một số CTV viết cả những thể loại khó như phóng sự - kí sự, chính luận phản ánh, cả những bài viết có tính đấu tranh, có tính nhạy cảm trong các vấn đề tiêu cực xã hội, cho thấy tinh thần trách nhiệm của CTV rất cao, dù đó chỉ là công việc tự nguyện.
Phải nói rằng, hầu hết đội ngũ CTV toàn tâm, toàn ý trong việc lấy tư liệu, chụp ảnh cho đến viết tin, bài và kịp thời gửi cho Ban biên tập của Báo… Nhiều CTV không chỉ nhiệt tình, năng nổ trong việc viết, gửi tin, bài, ảnh… mà còn trực tiếp hoặc gián tiếp góp ý chân thành với tòa soạn về nội dung, hình thức, chất lượng của Báo. Có những CTV trước các vấn đề bức xúc của cuộc sống hoặc khi phát hiện ra những hiện tượng tiêu cực đã kịp thời thông tin với tòa soạn, phối hợp với phóng viên của Báo điều tra, viết tin, bài mang lại hiệu quả cao.
Dù không có tên trong biên chế Báo Người cao tuổi, nhưng CTV là người đồng hành và dõi theo quá trình phát triển của tờ báo mà họ yêu thích. Thông qua sự quan sát, ghi nhận, thao tác và thể hiện bằng những tác phẩm báo chí, họ là một bộ phận gắn kết không thể thiếu của Báo. Các CTV ở các tỉnh phía Nam như: Mai Hoa, Lê Văn Thơm, Trần Trấn Giang, Trương Thanh Liêm, Mai Văn Bé Em, Ninh Nguyễn, Đỗ Khắc Thể, Phan Thị Anh Thư, Nguyễn Huy Hoàng, Vũ Ngọc Hồi, Trần Kim Phụng, Trương Anh Sáng, Vũ Đình Bê… tuy ở rất xa tòa soạn nhưng thường xuyên có tin, bài; thậm chí có người số lượng tin bài còn hơn phóng viên chuyên nghiệp; có người vừa viết tin bài có chất lượng lại vừa nhiệt tình phát hành như CTV Phạm Văn Phê; nhiều CTV bám sát thời sự hoạt động hội, tuyên truyền “vừa đúng”, “vừa trúng” như CTV Văn Thư (Tây Nguyên), Đỗ Khắc Thể (Bình Thuận), Trương Công Dưng (Bình Dương); các CTV Trần Trọng Trung (Đồng Tháp), Trần Trọng Triết (An Giang), Ninh Nguyễn (Đà Nẵng) viết được nhiều thể loại từ kinh tế đến văn hóa, xã hội thể hiện là người am hiểu, chịu khó lăn lộn với thực tế, biết phát hiện đề tài và xử lí thông tin khá nhuần nhuyễn.
Điều đáng quý là rất nhiều CTV gắn bó với báo cả chục năm qua, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình viết tin, bài gửi cho Báo. Đặc biệt, hầu hết CTV cao tuổi đã chịu khó tiếp cận với máy vi tính, internet để viết bài trên máy và gửi bài qua hộp thư điện tử. Điều đó đã giúp thông tin đến được với bạn đọc nhanh hơn, chính xác hơn, đồng thời giúp cho Tòa soạn nhiều thuận lợi khi xử lí tin, bài, ảnh.
Tôn vinh những “Nhà báo không thẻ”CTV là cánh tay nối dài góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển Báo Người cao tuổi. Họ là những người lặng thầm sát cánh cùng tờ báo mà họ yêu. CTV tác nghiệp trong tình trạng “có” nhiều cái “không”: Không được đào tạo bài bản, không lương, không thẻ, không giấy giới thiệu, không hợp đồng... Họ viết bằng niềm đam mê, bằng nhiệt huyết và nỗi niềm trăn trở với cuộc đời. Vì thế CTV còn rất vất vả trong việc lấy tin, bởi không có thẻ nhà báo, rất khó tiếp cận nguồn tin. Có nhiều tin nóng hổi, nhưng bị nhiều rào cản nên đành “lỗi hẹn”.
Khó khăn vất vả là thế, nhưng niềm vui nghề CTV giúp “những nhà báo nghiệp dư” vượt qua tất cả. Mỗi sản phẩm báo chí là “đứa con tinh thần” của tác giả được tòa soạn ưng ý, cho đăng lên báo in, báo mạng là một điều vô cùng hãnh diện. Đó là niềm vui chung. Thế còn niềm vui riêng? Theo như một số CTV chia sẻ: Niềm vui lớn nhất đối với CTV là bài viết được đăng nhiều trên Báo Người cao tuổi. Bởi Ban biên tập khá khắt khe trong việc chọn bài, nên khi được đăng là niềm động viên lớn, cho dù nhuận bút cũng chẳng đáng là bao.
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác CTV của Báo Người cao tuổi trong năm qua còn có những hạn chế nhất định. Trong quá trình thu thập, xử lí thông tin có CTV còn để xảy ra một số sai sót. Sự liên kết giữa một số CTV với tòa soạn có lúc, có thời điểm chưa thật chặt chẽ, bộ phận thư kí - xuất bản và phòng phóng viên chưa có nhiều sự trao đổi, hướng dẫn cụ thể để CTV có bài viết đúng định hướng, chất lượng hơn.
Bước sang năm 2019, trong điều kiện cạnh tranh về thông tin giữa các loại hình báo chí và mạng xã hội ngày càng khốc liệt, Báo Người cao tuổi xác định, để nâng cao chất lượng, thu hút được nhiều bạn đọc là nhiệm vụ hết sức nặng nề và gian khổ. Mong rằng, tòa soạn tiếp tục nhận được sự cộng tác nhiệt tình và hiệu quả hơn nữa từ các CTV để tờ báo của hơn 10 triệu NCT ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu mà bạn đọc gần xa đã dành cho Báo.
Thời gian tới, Báo Người cao tuổi tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ CTV “chiến lược”, nhất là ở những địa bàn khó khăn, phức tạp…, đặc biệt là khu vực phía Nam để bảo đảm tính thời sự và đẩy mạnh phát hành; Tiếp tục nâng cao năng lực và khả năng cập nhật thông tin, đáp ứng yêu cầu của Báo. Về phía đội ngũ CTV, cần phát huy vai trò sâu sát thực tiễn cơ sở, thường xuyên giữ mối liên hệ với tòa soạn để kịp thời nắm bắt định hướng, bảo đảm nội dung tuyên truyền, phản ánh kịp thời, sinh động mọi mặt của đời sống xã hội thông qua các tác phẩm báo chí ngày càng chất lượng hơn.
Có thể khẳng định sự thành công của Báo Người cao tuổi hôm nay, bên cạnh đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp còn có vai trò hết sức quan trọng của lực lượng CTV, được tòa soạn gọi bằng cái tên trìu mến “Nhà báo không thẻ”
Kim Thoa