Nhiều dư địa phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
Xã hội 16/11/2022 10:47
Đây cũng là địa phương được quy hoạch xây dựng 2 làng văn hóa du lịch (theo Công văn 161/VPĐP-OCOP ngày 12/3/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020). Trên cơ sở đó, tỉnh đã lập 2 dự án làng văn hóa du lịch cộng đồng tại bản Kho Mường, xã Thành Sơn và bản Hiêu, xã Cổ Lũng. Mục tiêu của chương trình là xây dựng, quy hoạch kiến trúc điển hình, tổ chức cộng đồng phát triển du lịch, khai thác và phát huy tối đa lợi ích mang lại từ các loại hình du lịch khác nhau, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng.
Du khách thích thú khi được thưởng thức ẩm thực của người bản địa. |
Trên hành trình lên đỉnh Pù Luông hùng vĩ, nơi có Kho Mường, một thung lũng rất đỗi nguyên sơ. Ở vùng lõi Pù Luông, chúng ta còn được thỏa sức đằm mình trong dòng thác Hiêu với làn nước trong veo, ngọt ngào, những thửa ruộng bậc thang, những dòng suối trong vắt, cùng nếp nhà giản dị nép mình bên sườn đồi,... làm đắm say lòng người.
Bản Kho Mường, xã Thành Sơn nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân tộc Thái, là một trong số ít nơi hiện vẫn giữ được những nét rất hoang sơ, thơ mộng vốn có. Hang Kho Mường là một trong số hang động có vẻ đẹp hấp dẫn trong quần thể các hang động được phát hiện trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Sự bình yên và không khí trong lành nơi đây là nơi trú ngụ bình yên không chỉ loài dơi mà còn cho không ít những loài động thực vật quý hiếm.
Đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi từ xưa vốn chỉ biết đến săn bắn hái lượm, trồng trọt chăn nuôi, mang tính tự cung tự cấp, giờ đã trở thành những người biết làm du lịch. |
Cũng là một phần trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc xã Cổ Lũng, thác Hiêu nhìn từ xa như tấm lụa mềm mại, uốn lượn vắt ngang qua vùng đất kì vĩ này. Bắt nguồn của thác Hiêu từ một hang đá thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương với chiều dài hơn 800 mét, dòng thác quanh năm tuôn nước trắng xóa đem theo chất đá vôi màu trắng đi qua mọi nơi. Vì thế cây cối, thảm thực vật ở hai bên thác bị đông kết lại như bị “hóa đá”. Người dân ở đây gọi thác là thác Hiêu vì thác nằm ở bản Hiêu, bản xa nhất của xã Cổ Lũng. Thác Hiêu mùa Hè nước mát mẻ, trong vắt, tinh khiết. Ngược lại, mùa Đông thì ngâm mình trong dòng thác, nhiều người cứ nghĩ là dòng nước nóng ấm.
Nằm trên đỉnh của dãy núi Pha Chiến, thuộc vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hoang sơ còn có Cao Sơn, đây là mảnh đất gồm 3 bản làng Son - Bá - Mười (thuộc xã Lũng Cao), ở độ cao 1.180 m so với mực nước biển. Người ta không ngoa ngôn mà ví rằng, Cao Sơn đẹp ngỡ ngàng tựa như Sa Pa, hay Đà Lạt.
Thác Hiêu thuộc làng văn hóa du lịch (xã Cổ Lũng, Bá Thước) |
Theo chân cán bộ văn hóa xã Thành Lâm, chúng tôi đến thôn Đôn, nơi đây, có những ruộng bậc thang trải dài, những nếp nhà sàn nằm ven chân đồi với cuộc sống sinh hoạt của người dân còn giữ nguyên bản sắc dân tộc. Chúng tôi bắt gặp từng đoàn du khách nước ngoài đi bộ, vai đeo ba lô nặng trĩu, họ đến từ nhiều nước khác nhau: Anh, Ai-len, Đức, Pháp... Ông bà Her Man Nicolas, HerMan Marie - Claire cho biết: “Chúng tôi biết Bá Thước qua sách báo, phim ảnh. Chúng tôi quyết định đến nơi này để trải nghiệm nhân kỉ niệm 40 năm ngày cưới của mình. Chuyến đi thật tuyệt vời và ý nghĩa. Ở đây chúng tôi không chỉ được hòa mình với thiên nhiên, có những giây phút thư thái mà còn thấy thật gần gũi khi con người nơi đây thật thà, thân thiện và mến khách, món ăn thì tươi ngon. Chúng tôi sẽ quay trở lại Pù Luông”.
Hồ Pha Đay (huyện Quan Hoá) và du khách thích thú khi được thưởng thức ẩm thực địa phương. |
Cùng với Bá Thước, nhiều huyện miền núi Thanh Hoá cũng có nhiều dư địa để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng như: Lang Chánh, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Quan Hoá... Với sức hút ngày càng lớn của du lịch sinh thái cộng đồng, những năm gần đây, loại hình sản phẩm du lịch này đã được phát triển rộng rãi ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện nhiều huyện trung du, đồng bằng và ven biển cũng đã xây dựng và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng như: Vĩnh Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Yên Định.... Một số địa phương trong tỉnh đã có chiến lược cụ thể và cách làm bài bản để phát triển loại hình du lịch dựa trên các tài nguyên, thế mạnh của địa phương.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá cho biết: Để phát huy tiềm năng thế mạnh về du lịch sinh thái, cộng đồng, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt và tập trung chỉ đạo triển khai nhiều đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa, lối sống, ẩm thực, làng nghề; triển khai hiệu quả các đề án, dự án phát triển du lịch cộng đồng đã được duyệt. Đồng thời chú trọng các hoạt động trải nghiệm, khám phá thiên nhiên sông, hồ, suối, hang động; kết hợp hoạt động thể thao mạo hiểm, marathon băng rừng; kết hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn...