Người già hay “cả nghĩ”
Cùng suy ngẫm 06/09/2023 09:11
Những chuyện cũ ngày xưa từ thuở thiếu thời, kể cho mọi người khác nghe rất rành mạch, khúc triết, từ lúc 9 - 10 tuổi ngồi trên lưng trâu thổi sáo trên triền đê, ra giữa cánh đồng thả diều, bắt bướm, những lúc đầu trần, chân đất cắp sách đến trường,... nhất là những mẩu chuyện, được đi tham gia các cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm, kể từng ngày giờ xảy ra trong từng trận chiến, cảm thấy tự hào trong quá khứ.
Ngày nay trở về già, gặp những chuyện va chạm đến danh dự, uy tín cá nhân thì lập tức nổi nóng bất thường, khi con cháu, người thân nói gì không vừa ý hoặc xúc phạm thì máu tự ái lại xôi lên, trách móc, giận hờn hoặc bản thân có làm và nói gì sơ suất, con cháu người thân góp ý nói lại thì tự mình trách thân trách phận, cho là con cháu không quan tâm, có thể trằn trọc suốt đêm không ngủ người già hay “cả nghĩ” là thế.
Con cháu dù ở chung với ông bà, cha mẹ hoặc ở riêng không cùng nhà, cũng cần phải hiểu rõ những đặc tính này của người già, mà có những ứng xử giao tiếp sao cho khéo léo, thận trọng, đừng để có gì sơ suất xảy ra, không được nói câu: “Ông già lẩm cẩm, trái thân trái thói” trước mặt cha mẹ, ông bà mình. Người già thường ưa thích động viên, nói năng nhẹ nhàng, ngọt ngào tình cảm. Vậy ta phải có ý thức lấy trách nhiệm của con cháu, người thân mà cư xử sao cho phải phép đạo nhà.
Quy luật của tạo hóa là thế, ai cũng đến lúc phải già. Người ta có câu “tre già măng mọc”. Tre già có cành có lá che chở cho măng non ấm chỗ mà mọc thẳng đi lên, măng non cũng phải dựa vào tre già mà sống. Cho nên những người là con là cháu, khi thấy mình có còn ông bà, cha mẹ là một vinh dự, là một vốn quý của đời người. Trong gia đình còn có ông bà cha mẹ già là nhà có phúc, rất tự hào với thiên hạ. Mọi người cần có thái độ và nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc khi ông bà, cha mẹ tuổi cao, sức yếu. Phải biết lựa lời an ủi, động viên, làm cho ông bà, cha mẹ bớt suy nghĩ tiêu cực, để tâm lí được ổn định, tinh thần được vui vẻ, thoải mái, cuộc sống được bình yên, sống lâu cùng con cháu và gia đình. Đừng bao giờ làm bất cứ việc gì để người già phải suy nghĩ, dằn vặt, tủi thân, tủi phận, cả nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm thọ. Đồng thời, mỗi người khi về già cũng nên tha thứ, đừng chấp nhặt những lỗi lầm vô ý của con cháu mà âu sầu, phiền não trong buổi xế chiều.