Lương y hay cướp giật?
Trong mắt người già 19/10/2023 11:36
Trong những người tố cáo này, một số người khám bệnh nam khoa, cắt bao quy đầu, điều trị sinh lí nam nữ và các bệnh xã hội... Dịch vụ được quảng cáo thường chỉ mấy trăm ngàn đồng, tuy nhiên đa số đều rơi vào tình huống khi đang phẫu thuật mới phát hiện thêm bệnh khác trầm trọng cần đóng thêm tiền để xử lí, nếu không sẽ nguy cơ đến tính mạng!
Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh cũng có một cơ sở khám chữa bệnh, đó là Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Y học Sài Gòn (địa chỉ số 153-155 Nguyễn Văn Cừ, phường 2, quận 5) có thủ đoạn tương tự. Không ít người đang nằm trên bàn phẫu thuật phải điện thoại cầu cứu gia đình mang tiền đến nộp để tiếp tục được hoàn thành ca mổ, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ nghiêm trọng, thậm chí tới an toàn tính mạng!?
Phòng khám có dấu hiệu "vẽ bệnh moi tiền". |
Những vụ việc trên được gọi chung cụm từ “vẽ bệnh moi tiền”. Tuy nhiên, đây là cách gọi hạ thấp tính nghiêm trọng của hành vi. Đây không phải “moi” mà là đe dọa để kiếm tiền, hành vi đã được pháp luật khái niệm cho tội cướp tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản.
Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) theo đó, cướp tài sản là hành vi của một người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân nằm trên bàn mổ ở tình trạng không thể chống cự được, đây thuộc khái niệm “có hành vi khác” trong điều luật trên.
Được biết, nhiều trường hợp vi phạm tương tự xảy ra thời gian qua chỉ bị xử lí hành chính, phạt tiền hoặc tước giấy phép hành nghề. Dù số tiền phạt tới hàng trăm triệu thì so với lợi nhuận họ thu được chẳng thấm tháp vào đâu. Bị tước giấy phép thì họ lại xin cấp phép với pháp nhân, nhân sự mới, việc này chẳng mấy khó khăn, do vậy các biện pháp xử lí đã qua chẳng khác gì “muỗi đốt inox”!
Với tội cướp giật dù chỉ sử dụng khẩu súng đồ chơi, giá trị số tiền cướp vài triệu đồng là đã có thể bị kết án tù từ 3-10 năm. Vậy việc sử dụng nghiệp vụ khám chữa bệnh để đe dọa tống tiền khác nào một hành vi cuớp giật tinh vi, có tổ chức? Nếu những việc làm bất nhân như trên không được điều tra, xử lí nghiêm minh thì những vụ “cướp trên bàn mổ” sẽ còn xảy ra.