Luật Đất đai có thể được Quốc hội thông qua tại kì họp bất thường
Nghiên cứu - Trao đổi 22/12/2023 13:11
Quốc hội sẽ họp bất thường để thông qua Luật Đất đai
Theo chương trình kì họp thứ 6 khoá XV, ngày cuối cùng (29/11/2023) Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung). Tuy nhiên, qua mấy kì họp trước và các phiên thảo luận lần này, Chính phủ và Quốc hội quyết định chưa thông qua để tháng 1/2024 sẽ có kì họp bất thường (lần thứ 5) sau khi Ban soạn thảo chỉnh lí, đưa ra các phương án để xin ý kiến Quốc hội thảo luận, có thể biểu quyết thông qua. Đó là một quyết định sáng suốt, thận trọng của cơ quan quyền lực cao nhất.
Nguyên nhân chủ yếu do Dự án luật thiết kế chính sách chưa tập trung, chưa trúng, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách lớn, quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Vì thế, về tổng thể dự án luật đặc biệt quan trọng này còn nhiều bất cập do tính chất phức tạp phát sinh từ trong thực tiễn. Để khơi thông nguồn lực đất đai, đặt lên hàng đầu yêu cầu về chất lượng của dự án luật, nhằm bảo đảm vững chắc, ổn định và lâu dài.
Một nền kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay đang phát triển, bên cạnh nguồn lực lao động (con người) thì đất đai là tài nguyên và là nguồn lực vật chất to lớn nhất. Từ khi công cuộc đổi mới diễn ra, Nhà nước đã 4 lần ban hành và thực hiện Luật Đất đai (1987, 1993, 2003 và 2013). Trong các giai đoạn phát triển đất nước, thể chế về đất đai đáp ứng được xu thế đi lên của kinh tế - xã hội, theo bước đi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, mỗi thời kì đều xuất hiện tình hình mới, những đòi hỏi mới, mâu thuẫn và bất cập mới nảy sinh, cần đặt ra hướng đi và hoạch định chính sách căn cơ, phù hợp.
Luật Đất đai có thể được Quốc hội thông qua tại kì họp bất thường |
Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2013 bộc lộ khá nhiều bất cập, thiếu thống nhất, nhiều điều khoản chưa đồng bộ, nảy sinh xung đột với một số luật liên quan (Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu). Tình trạng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch treo, quy hoạch của nhiều ngành chồng lấn, quy hoạch không có tầm nhìn còn phổ biến. Điều đó, gây cản trở cho quá trình thực thi pháp luật, nhiều vướng mắc trong quản lí, sử dụng, khai thác tiềm năng đất đai và là một trong những nguyên nhân của tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, kìm hãm sự phát triển kinh tế, nhiều nơi gây bất ổn về trật tự, an toàn xã hội do mâu thuẫn giữa người với chính quyền địa phương.
Chính sách lớn nhất là định giá đất, thu hồi đất
Theo nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 (Hội nghị Trung ương V khoá XIII): Về đổi mới, hoàn thiện chính sách về đất đai: Bỏ quy định về khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, địa phương xây dựng giá trong việc thu hồi đất.
Định giá đất, thu hồi đất là vấn đề hệ trọng, tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội. Mấy chục năm qua, đây cũng là tác nhân của mâu thuẫn phát sinh, xung đột cục bộ và số lượng đơn thư nhiều nhất trong các loại đơn khiếu nại, tố cáo xung quanh giá đất và thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Vì lẽ đó, dự thảo lần này của Luật Đất đai còn 14 vấn đề được nêu ra 2 phương án cần trình Quốc hội cho ý kiến. Nổi cộm là việc Nhà nước thu hồi đất quy định tại các Điều 79, 126 và 128.
Một số nội dung trong dự thảo về giá đất đều có 2 phương án, trong đó Điều 159 quy định về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi. Dù áp dụng quy định nào về giá đất cũng phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân, Nhà nước kiểm soát được địa tô chênh lệch, bảo vệ được cán bộ, bảo đảm khả thi cho nhiệm vụ phát triển kinh tế. Do đó, luật phải nêu rõ điều kiện áp dụng, nguyên tắc lựa chọn của từng phương pháp. Tốt nhất là Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đều tuân thủ pháp luật trên nguyên tắc minh bạch, công khai, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và lợi ích chính đáng của người có đất bị thu hồi theo tinh thần nghị quyết 18. Phương pháp tốt nhất là định giá sát với thị trường hoặc thoả thuận với người dân khi thu hồi, nhất là đối với các dự án kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Đất thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng trả tiền thuê hằng năm thì cần quy định không được bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền trên đất thuê để tránh rủi ro như khi thua lỗ, ngân hàng “xiết nợ” sẽ thu tài sản như bệnh viện, trường học, công sở bởi đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công. Tương tự như các dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thuộc diện Nhà nước thu hồi đất cần đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm kiểm soát địa tô chênh lệch thông qua thu hồi đất giúp Nhà nước có nguồn lực để đền bù, tránh tình trạng mỗi người bị thu hồi đòi một giá khiến dự án trì trệ, kéo dài, có thể áp dụng cơ chế tự thoả thuận để bảo đảm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, đạt sự đồng thuận với chủ đầu tư…
Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp nhiều quy định “vênh” nhau
Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014. Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ 1/1/2019 quy định nhiều nội dung, khái niệm “lệch pha” so với Luật Đất đai 2013.
Trong khi Luật Đất đai nêu rõ “đất rừng” nhưng không có sự giải thích phân biệt “đất rừng” như thế nào? Cụm từ “đất lâm nghiệp” không được đề cập trong Luật Đất đai. Song, Thông tư 28 lại quy định “đất lâm nghiệp” gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuât…là đánh đồng “đất rừng” với “đất lâm nghiệp”. Luật Lâm nghiệp quy định “đất lâm nghiệp” không chỉ bao gồm đất rừng, mà còn bao gồm đất xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản, bởi lâm nghiệp bao gồm quản lí, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.
Luật Lâm nghiệp quy định đối với khu vực dân tộc thiểu số có “đất tín ngưỡng”, “rừng tín ngưỡng”. Khoản 8, điều 2 Luật Lâm nghiệp quy định “rừng tín ngưỡng” là rừng gắn liền với niềm tin, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng (ma rừng, rừng thiêng). Trong khi đó, Luật Đất đai quy định đất tín ngưỡng bao gồm đất có các công trình như đình, chùa, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ. Như vậy, khái niệm về tín ngưỡng trong Luật Đất đai rộng rãi hơn.
Luật Lâm nghiệp không quy định rõ về thửa đất, lô rừng, về tiêu chí rừng trồng, phân loại đất, phân loại rừng, quy hoạch sử dụng đất rừng… ảnh hưởng trực triếp đến quá trình hưởng lợi của dân tộc thiểu số mà cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Điều này hạn chế vai trò “chủ rừng” về vị trí pháp lí. Hiện nay, 90% cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số (11.525 cộng đồng) được giao đất rừng và quản lí rừng nhưng không rõ giao bao nhiêu héc-ta. Đồng thời, chủ rừng không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất, quyền quản lí rừng được giao…
Trên cơ sở bất cập gữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp, cần quy định rõ và cần đưa “đất lâm nghiệp” vào Luật Đất đai. Mặt khác, Luật Đất đai cũng cần quy định đất lâm nghiệp là đất đang có rừng tự nhiên hoặc đất có rừng trồng đạt tiêu chí rừng, đất đang khoanh nuôi để phục hồi rừng, đất nuôi trồng rừng nhưng chưa thành rừng, đất đang trồng hoặc đã giao, đã cho thuê để trồng rừng và diện tích trong ranh giới các khu rừng đã được quyết định loại rừng theo quy định pháp luật về lâm nghiệp, đất sử dụng cho hoạt động chế biến và thương mại lâm sản. Có nghĩa là đất rừng phải có tên gọi trùng với tên gọi của loại rừng tương ứng và ranh giới thửa đất rừng trong phạm vi rừng được xác định theo quy định của pháp luật lâm nghiệp. Luật Đất đai cũng cần bổ sung đất rừng tín ngưỡng theo quy định của Luật Lâm nghiệp…