Lễ hội Kì yên, nét văn hóa độc đáo ở Nam Bộ
Nhịp sống văn hóa 22/08/2019 08:02
Đình làng ở Nam Bộ mỗi năm có hai lệ cúng: Thượng Điền (khi thu hoạch xong) và Hạ điền (khi bắt đầu xuống ruộng). Kì yên có thể gộp chung với Thượng điền hoặc Hạ điền, cũng có thể một lễ riêng biệt tùy theo từng địa phương. Mỗi khi Lễ hội Kì yên diễn ra ở một ngôi đình nào đó, lại thấy người người, nhà nhà đổ xô về tỏ lòng kính nhớ các vị thần ngự trị. Dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người đội trên đầu mâm xôi, thịt hay hoa quả đến đình dâng lễ. Hình ảnh ấy thật đẹp, nói lên công đức các bậc tiền nhân được thế hệ sau khắc ghi và tiếp nối để từ đời này sang đời khác bằng tất cả lòng tin thờ.
Bên trong đình |
Thông thường, Lễ hội Kì yên được diễn ra vào 3 tháng cuối năm âm lịch hoặc 3 tháng đầu năm âm lịch. Tùy vào phong tục của mỗi địa phương, lễ cầu an diễn ra trang trọng. Đã thành thói quen, cứ đến ngày lễ cầu an, không ai nhắc, người ta tự khắc sẽ nhớ đến và quay về. Không ít người ví von, Lễ Kì yên vui không thua gì ngày Tết. Bởi, 3 ngày lễ cờ hoa được trang hoàng lộng lẫy từ đầu ngõ đến cuối xóm. Người chen chân nhau tấp nập nối dài cả cây số để mong có mặt ở đình cúng bái. Quanh ngôi đình, những gánh hát lô tô vui nhộn, xuất hiện nhiều trò chơi náo nhiệt, thu hút đông đảo bà con tham gia. Lại có nhà bày tiệc ăn mừng, đờn ca tài tử rộn ràng khiến lòng người khấp khởi không thôi!
Lễ hội Kì yên diễn ra với nhiều nghi thức, lễ tế như thỉnh sắc, nghinh và tụng kinh cầu an; thỉnh sanh, túc yết, xay chầu, hát chầu, tế Tiền hiền hay Hậu hiền… lễ vật cúng là một con heo (lợn) trắng đặt nằm sấp, xôi, trái cây, muối, gạo… Sau lễ cúng Thần nông, mọi người bắt đầu xẻ thịt, chế biến món ăn đãi khách.
Hát bội nét đặc trung làm nên Lễ hội Kì yên |
Lại nói về lễ Thỉnh sắc, nghi lễ gồm đầy đủ chiêng, trống, cờ, lọng, long đình cùng đội nhạc lễ, đội lân... đi đến chỗ cất giữ sắc thần. Thường thì sắc thần được để trong một ngôi nhà kiên cố của một vị chức sắc có uy tín trong vùng. Đến nơi, người có trách nhiệm vào tế một tuần hương, ba tuần rượu, đọc một bài văn tế ngắn gọn, xong đem sắc đặt vào long đình, rước về. Đến đình, phải cử hành thêm nghi thức an vị, gồm: Một tuần hương, ba tuần rượu và một tuần trà, rồi mới đưa tráp đựng sắc phong để trên bàn thờ thần nơi chính điện.
Nét đặc trưng làm nên Lễ hội Kì yên là nghi thức xây chầu, hát bội. Về cách thức xây chầu, gồm: Xây chầu văn, xây chầu võ và xây chầu bán văn, bán võ. Lễ này bắt nguồn từ quan niệm dịch lí của đạo Nho: Thuận đạo trời (âm dương), an đạo đất (nhu cương) và hòa đạo người (nhân nghĩa). Ba đạo này có hòa hợp thì vạn vật mới hanh thông, tốt đẹp. Hát bội là loại hình nghệ thuật sân khấu tồn tại từ rất lâu đời ở Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng. Đến nay, loại hình nghệ thuật sân khấu có tuổi đời hàng trăm năm này vẫn tồn tại, đặc biệt trong các buổi cúng Kì yên ở đình làng. Trong mỗi dịp cúng đình, gánh hát bội trước khi vào đình để diễn thường tổ chức lễ rước Tổ hát bội rất long trọng.
Khi gánh hát bội đến trước cổng đình, trước hết là ban trống tựu chầu, gồm một hồi trống, lợi hai roi do các hội viên đình đảm trách. Về phía gánh hát bội thì “án binh bất động”, lên nhang đèn ở ngai tổ (được mang theo cùng với các trang bị của nghệ sĩ) chờ hội đình làm lễ rước. Các ông bầu, ông nhưng (thầy tuồng), ông biện tuồng trang phục áo dài khăn đóng chỉnh tề. Còn về phía đình, sau khi ban trống tựu chầu, ba ông đại diện hội hương đình trang phục áo dài khăn đóng, bưng một cái khay có đặt trầu, rượu, nhang, đèn và tiền lễ cùng với bốn quân hầu trang phục theo xưa cầm bốn món lỗ bộ (nhóm đồ binh khí cắm ở giá nơi cửa đình) và ban nhạc ra tận cổng đình để rước ngai Tổ hát bội vào đình. Các điệu nhạc vui rộn rã được cử lên, đặc biệt có nghệ nhân đánh một bài trống rất hùng hồn. Ba ông đại diện Hội hương đình ra tới cổng, trao khay lễ vật cho ba ông đại diện gánh hát. Các ông này nhận lấy và tất cả cùng đưa ngai thờ Tổ hát bội vào đình, tọa vị sau sân khấu của võ ca. Khi ngai thờ tổ an vị rồi thì gánh hát bội mới bắt đầu mang đồ nghề, trang bị vào khu vực sân khấu, sẵn sàng cho đêm hát chầu đầu tiên. Hát chầu (hát bội), trước để cúng thần, sau để giúp vui cho dân làng. Tuồng hát bội mà các đình thường chọn là San Hậu (tôn vương), Phàn Lê Huê (tôn nữ soái), Tiết Nhơn Quý (tôn soái)...
Ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang Lễ cầu an ở đình Thoại Ngọc Hầu là một trong những lễ lớn nhất trong năm. Bởi ngày diễn ra Lễ hội Kì yên tại đình cũng là ngày Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn, thu hút hàng ngàn người về đây tỏ lòng tri ân đối với vị thần có công khai hoang mở cõi. Từ năm 2002, huyện Thoại Sơn tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống nhằm phục vụ bà con Nhân dân, không chỉ trong huyện mà còn ở khắp các nơi, đặc biệt là ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), nơi sinh ra người con ưu tú Thoại Ngọc Hầu.
Với những phong tục đẹp được lưu truyền, Lễ hội Kì yên ở các đình làng ở Nam Bộ luôn là chỗ dựa tâm linh vững chắc để bao người hướng đến những điều chân - thiện - mĩ.