Cần xem xét, giải quyết khiếu nại của người cao tuổi là thương binh nặng

Pháp luật - Bạn đọc 06/04/2023 09:52
Như Tạp chí Người cao tuổi đã thông tin, bà Đào Mai Phương, sinh năm 1951, hiện ở phường Thụy Khuê có nhiều đơn khiếu tố về những dấu hiệu khuất tất trong công tác xác định đối tượng nhận bồi thường, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng và việc chiếm dụng đất trái phép của một số người là cháu của bà Lưu, người đã bán đất cho bà Phương.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 24/8/1991, bà Lưu đã lập giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà cửa cho bà Phương diện tích khoảng 150m2 (giấy viết tay). Đến ngày 5/9/1991, bà Lưu làm đơn xin mua bán nhà cho bà Phương (giấy tờ mua bán có xác nhận của UBND phường, có sơ họa thửa đất kèm theo). Ngày 1/10/1991, bà Phương đã nộp lệ phí mua bán phần nhà 8b, ngõ 105 tại Sở Nhà đất Hà Nội.
Tiếp đó, ngày 15/3/1992, bà Lưu có đơn đề nghị xác nhận việc bán lô đất số 587 cho bà Phương (toàn bộ diện tích còn lại sau khi đã cho em trai là ông Nguyễn Văn Tư), đơn có xác nhận của UBND phường Thụy Khuê. Sau đó, bà Phương kê khai nộp thuế sử dụng đất vào các năm 1993, 1994, 2005, 2010. Đồng thời, bà Phương cho bà Lưu tiếp tục được ở nhờ trên một phần đất nhỏ (có nhà cấp 4 lợp lá cọ) và thoả thuận cho ở đến khi bà Lưu chết.
![]() |
Lô đất của bà Phương mua của bà Lưu đã được phường Thụy Khuê chứng thực nhưng bị lấn chiếm, xây 5 ngôi nhà, buộc bà Phương phải khiếu kiện nhiều năm nay. |
Tuy nhiên, trong thời gian bà Lưu ở nhờ, một số người là con của em trai bà Lưu đã đến ở với bà Lưu, xây nhà trên đất của bà Phương. Sau khi bà Lưu chết, các cháu của bà Lưu đã chiếm khu đất trên và chia nhỏ diện tích làm nhiều phần và xây dựng các công trình nhà ở.
Phát hiện sự việc, bà Phương đã nhiều lần làm đơn đề nghị UBND phường và Thanh tra Xây dựng đến kiểm tra và buộc dừng thi công các công trình xây dựng trái phép trên thửa đất của bà. Thế nhưng không hiểu bằng cách nào, nhóm người này vẫn có thể xây được 5 ngôi nhà kiên cố và chiếm đất bà Phương đã mua.
Đến tháng 7/2018, bà Phương được UBND phường Thụy Khuê và Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư quận Tây Hồ thông báo một phần đất của gia đình bà tại số 8B ngõ 105 nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án “Cải tạo môi trường vệ sinh khu xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” (đoạn dốc La Pho - Cống Đõ).
Tuy nhiên, việc giải quyết hỗ trợ tái định cư của gia đình bà Phương chưa được thực hiện, do các hộ gia đình là con cháu bà Lưu sống giáp ranh đã lập hồ sơ nộp cho phường Thụy Khuê và Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư quận Tây Hồ đòi được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Vụ việc kéo dài đã nhiều năm, bà Phương mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phải hằng ngày đội đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu, đề nghị giải quyết và đòi lại quyền công bằng và lợi ích hợp pháp cho mình, tuy nhiên đến nay vẫn chưa một cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bà.
![]() |
Giấy nhượng đất đai của bà Lưu cho bà Phương |
Liên quan đến các nội dung đơn thư của bà Phương, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đã chuyển các nội dung làm việc với báo chí cho lãnh đạo phường Thụy Khuê. Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Lê Văn Thuỷ, Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết, vụ tranh chấp đất đai giữa bà Phương và các cháu của bà Lưu đã diễn ra từ lâu, do lịch sử để lại.
Theo ông Thuỷ, trong các lá đơn thì việc mua bán chưa dứt khoát, lúc thì mua 150m2, lúc thì 100m2, lại không có sơ đồ, vị trí rõ ràng. Ngoài ra, bà Phương mua xong lại cho các cháu bà Lưu sử dụng nhờ, bà ấy không sử dụng ngay thì mấy chục năm sau khó, trong khi bà Lưu đã mất rồi. Thời điểm ấy chính quyền có xác nhận, tuy nhiên chỉ xác nhận hành vi mua bán, làm sao có thể biết được việc thanh toán với nhau như thế nào.
![]() |
Ông Lê Văn Thủy, Chủ tịch phường Thụy Khuê làm việc với PV |
Đề cập đến những căn nhà mà con cháu bà Lưu xây dựng trái phép và đang sử dụng, ông cho biết, việc xây dựng sai phép, trái phép nhưng diễn ra từ những năm đó là do lịch sử để lại, việc cấp phép thời điểm ấy có thể chưa đầy đủ, rõ ràng, thậm chí chưa có. Cán bộ thời điểm đó thì cũng đã về hưu.Thế hệ lãnh đạo ông là thế hệ kế tiếp mới đây.
Cũng theo thông tin ông Thuỷ cung cấp, phía UBND phường đã tổ chức họp và tổ chức hòa giải rất nhiều lần nhưng không thành. Về nguyên tắc hòa giải không thành thì các bên cần khởi kiện ra tòa, có căn cứ giấy tờ gì chứng minh thì nên mang hết ra nhưng cả hai bên không chịu ra tòa.
“Bà Phương cần gửi đơn đến TAND có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định. UBND phường chỉ có chức năng hoà giải chứ không thể đưa ra được kết luận vụ việc”, ông Thuỷ cho biết. Ông Thuỷ cũng từ chối cung cấp hồ sơ vụ việc và cho biết, chỉ cung cấp thông tin cho báo chí.