Làng bưởi Tân Triều những ngày cuối năm
Đời sống 29/12/2022 10:30
Tại đây, có rất nhiều thương lái từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đến các vườn bưởicó trái to, tròn ưng ý, sau đó “giam” tiền trước để cận Tết tới hái mang về bán kiếm lời. Bưởi Tân Triều không chỉ được “định hình” bằng tiếng vang, lời đồn thổi, mà đúng là chất lượng các giống bưởi ở đây rất ngon ngọt, khiến bất cứ ai ăn thử một lần sẽ khó mà quên được. Chẳng vậy mà bưởi ở đây luôn được nhà vườn bán với giá khá cao, giao động từ 50.000 - 60.000 đồng/quả.
Một trong rất nhiều các khu vườn bưởi ở Tân Triều làm du lịch sinh thái. |
Giá bưởi ổn định, được người tiêu dùng đón nhận, đó là lí do người nông dân trồng bưởi ở Tân Triều không chỉ “sống ổn”, mà rất nhiều gia đình trở nên khá giả, thậm chí giàu có. Ngoài thu nhập từ bán bưởi, khoảng hơn chục năm gần đây, nhiều hộ nông dân còn có thêm nguồn thu nhập khác từ phát triển du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan vườn bưởi. Khách đến đây không chỉ thích thú khi được trở về với thiên nhiên, vườn tược cây trái trĩu cành, mà còn được hít thở không khí trong lành của một vùng quê bình yên, thoáng đãng… Chẳng thế mà vào các dịp nghỉ lễ, hay dịp cuối tuần, khách du lịch, các bạn trẻ từ TP Hồ Chí Minh đến đây khá đông.
Lịch sử phát triển của cây bưởi ở vùng cù lao sông Đồng Nai này có từ hơn 100 năm trước. Năm 1869, nhà thờ Tân Triều được xây dựng, cha xứ mang hai cây bưởi từ Brazil về trồng trước sân. Hằng năm, cây bưởi cho quả trĩu cành. Thấy vậy, bà con địa phương xin chiết nhánh về trồng và nhân rộng khắp vùng. Sau trận lụt Nhâm Thìn (1952), đất Tân Triều không còn trồng trầu, người dân chuyển sang trồng bưởi. Dần dần, hơn một thế kỉ trôi qua, cây bưởi có mặt khắp vùng và trở thành đặc sản của tỉnh Đồng Nai, với nhiều chủng loại khác nhau như bưởi đường Lá Cam, bưởi Ổi, bưởi đường Da Láng, bưởi Thanh Trà, bưởi đường Hồng, bưởi Lựu... Trong số đó, bưởi đường Lá Cam và bưởi Ổi là hai giống bưởi có chất lượng đặc thù nhất, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Ngoài các giống bưởi truyền thống của địa phương, khoảng vài thập kỉ trở lại đây không ít các nhà vườn đã đưa thêm một số giống bưởi mới nhập ngoại về trồng, mà tiêu biểu là bưởi da xanh ruột hồng. Có nhiều khu vườn, trên cùng một khoảng diện tích, chủ vườn canh tác tới cả gần chục loại bưởi khác nhau.
Bà Lê Thị Hải, 68 tuổi, chủ vườn bưởi có diện tích gần 2 sào kể, bao nhiêu năm nay gia đình bà trồng 4 giống bưởi, đó là: Đường Lá Cam, bưởi Ổi, bưởi Lựu, và bưởi Thanh Trà. Những năm gần đây, bưởi da xanh ruột đỏ được người tiêu dùng ưa chuộng, bà đưa khoảng 50 gốc loại này vào trồng. Kết quả thu được cũng rất khả quan, bưởi có chất lượng rất ngon, không thua kém bưởi da xanh trồng ở Bến Tre hay các vùng khác. Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Huấn, năm nay 63 tuổi, trồng hơn 200 gốc bưởi các loại, trong đó số lượng lớn nhất vẫn là bưởi đường Lá Cam, đường Hồng, còn lại là bưởi da xanh. Ông cho biết, nhà ông mới trồng bưởi da xanh cỡ chục năm nay, bưởi giữ được chất lượng, giá bán nhiều thời điểm lên rất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, hiệu quả kinh tế mang lại khá tốt…
Tuy vậy, trò chuyện với nhiều bà con nông dân ở Tân Triều, chúng tôi thấy dù không ít gia đình đưa nhiều giống bưởi mới vào trồng với mục đích mang lại thu nhập cao, nhưng đại đa số người dân vẫn “chung thuỷ” với các giống bưởi truyền thống, vốn là “đặc sản” làm nên thương hiệu của địa phương. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi người dân, để tiếng vang bưởi Tân Triều không chỉ tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước, mà còn được xuất khẩu đến các thị trường trên thế giới…