Có người mẹ đứng chờ con

Cùng suy ngẫm 09/09/2022 10:22
Một cụ là nhà giáo cấp phổ thông nhắc lại giáo án mình đã soạn về hình mẫu khiêm tốn, rằng: “Khiêm tốn là luôn đặt mình ở đúng chỗ, có cái nhìn đúng đắn về năng lực, vị trí, ngoại hình của mình; không được đặt cái “tôi” lên trên mọi người để tự mãn và cho rằng mình giỏi giang hơn tất cả hoặc coi thường người khác. Biểu hiện của khiêm tốn thường thể hiện bằng hành động, lời nói, thái độ. Người khiêm tốn là người làm được việc gì đó được nhiều người tán dương, nhưng không vỗ ngực ta đây hơn hẳn mọi người, Người khiêm tốn luôn thấy người khác tài giỏi hơn mình và mình phải học hỏi để tốt hơn, không bao giờ tự bằng lòng với chính mình trong bất kì lĩnh vực gì. Khiêm tốn được mọi người yêu thương quý mến, dễ hòa nhập, “Đức tính khiêm tốn không chỉ là nghệ thuật sống mà còn là nền tảng cho sự thành công”.
![]() |
Tâm đắc với giáo án của nhà giáo, cụ nông dân quê Ninh Bình ra thành phố ở với con nhắc chuyện Danh nhân Nguyễn Công Trứ là quan triều Nguyễn. Ông hiểu nguyên nhân sâu xa của các cuộc khởi nghĩa nông dân là nạn tham quan ô lại và nông dân không có ruộng đất, đã dâng sớ lên vua Minh Mệnh xin “Khẩn ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo”. Vua chấp nhận, ông trở thành Doanh điền sứ, trực tiếp tổ chức công cuộc khẩn hoang ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình năm 1828 và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình năm 1829.
Buổi đầu, ông biết nghĩa quân của Phan Bá Vành do thất bại đang lẩn tránh có thể sẽ báo thù quan triều đình, ông bí mật cải trang làm nhà sư, chọn chùa Phúc Nhạc, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình làm nơi trú ngụ để xem xét ruộng bãi. Về sau, dân được biết Nguyễn Công Trứ làm “thầy tu”, do ngôi chùa Đồng Đắc thuộc xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình còn lưu giữ tấm bia dựng khi huyện Kim Sơn ra đời, có ghi chi tiết ấy”.
Khen danh nhân Nguyên Công Trứ tài ba, cứng cỏi và khiêm tốn trước khi tạo nên việc lớn, một đại tá quân đội về hưu kể chuyện khiêm tốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi đã tạo nên việc lớn. “Sáng 30/4/1975, Bộ Tổng Tham mưu quân đội ta treo nhiều dây pháo nổ trước cửa cơ quan trong thành Hà Nội, chờ đến giờ quân ta toàn thắng ở miền Nam là phát hỏa.
Trái tim Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc ấy rạo rực không kém các chiến sĩ của mình. Song ông dặn: “Ta không vội”, rồi chỉ thị cho trạm quan sát trên cột cờ Hà Nội: “Khi nào phía Bộ Ngoại giao đốt pháo mừng chiến thắng thì báo về để Bộ Tổng Tham mưu đốt pháo tiếp theo”. Đại tướng nhấn giọng: “Quân đội càng giỏi, càng phải khiêm tốn”.