Hà Nội tập trung ứng phó dịch Covid-19
Tin tức 11/01/2022 07:59
Trước tình hình này, thành phố Hà Nội đang tập trung thực hiện ba giải pháp chính để phòng, chống dịch Covid-19 là tăng cường tiêm vaccine mũi nhắc lại và mũi bổ sung; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.
Tổ tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) tiêm cho người cao tuổi tại nhà. |
Bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao
Nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã rà soát, lập các tổ tiêm vaccine lưu động cho những người già, người mắc bệnh nền, nhất là những người không đi lại được (trừ những trường hợp chống chỉ định). Từ ngày 6 đến 9/1, các phường trên địa bàn quận Ba Đình đã lập các tổ tiêm chủng, mỗi tổ có từ năm đến sáu thành viên gồm bác sĩ, y tá, Công an, thành viên Trung tâm Y tế quận và cán bộ phường đến từng nhà vận động, tư vấn và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ cao. Vaccine tiêm sử dụng cho nhóm đối tượng nguy cơ cao là Pfizer, được bảo quản, vận chuyển trong thùng lạnh theo quy định.
Những người cao tuổi có các bệnh nền như gút, tiểu đường, huyết áp, đau chân không đi được... gặp khó khăn đi lại đã được tiêm phòng ngay tại nhà. Công tác thăm khám, tiêm chủng được thực hiện chu đáo. Bà Nguyễn Thùy Dương, 75 tuổi, sống tại phường Ngọc Khánh cho biết, bà bị tai biến không đi lại được, được tổ tiêm chủng của phường đến tận nhà thăm khám, tiêm vaccine. Đến ngày 9/1, 850 người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19 trên địa bàn quận đã được tiêm chủng. Trung tâm Y tế quận Ba Đình phối hợp các phòng khám, bệnh viện trên địa bàn và năm đội cấp cứu thường trực tại các phường Ngọc Khánh, Liễu Giai, Đội Cấn, Trúc Bạch, Điện Biên sẵn sàng cấp cứu những trường hợp có phản vệ sau tiêm.
Tại quận Hai Bà Trưng, từ ngày 31/12/2021 đến 8/1/2022, Trung tâm Y tế quận triển khai tiêm vaccine tại nhà cho gần 900 người già yếu, người mắc bệnh lý, người mất tri giác, mất năng lực hành vi,... Mỗi dây chuyền tiêm gồm có hai cán bộ y tế, trong đó một cán bộ khám phân loại, một cán bộ thực hành tiêm chủng và ít nhất một trong hai cán bộ y tế đã được tập huấn về xử trí phản vệ theo quy định. Cán bộ y tế cũng hướng dẫn cho người được tiêm chủng và người nhà theo dõi sức khỏe chặt chẽ trong vòng 24 giờ, tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong bảy ngày đầu sau tiêm chủng và thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa... cũng đồng loạt tổ chức tiêm vaccine tại nhà cho người dân thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19.
Toàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 47 nghìn trường hợp F0 được điều trị và cách ly. Trong đó, điều trị tại các cơ sở thu dung cấp quận, huyện là hơn sáu nghìn trường hợp, theo dõi cách ly điều trị tại nhà là khoảng 37 nghìn người. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà khẳng định, giải pháp quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô hiện nay là cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.
Sở Y tế đã chuẩn bị các gói thuốc A, B, C để chủ động cấp phát cho bệnh nhân Covid-19. Trong đó, chuẩn bị gần 19 nghìn túi thuốc C (gồm có thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị Covid-19 thể nhẹ), đã cấp phát được hơn 12 nghìn túi để các đơn vị chuyển tới các F0 đang điều trị tại nhà. Số lượng túi thuốc C còn lại sẽ tiếp tục chuyển cho các bệnh nhân trong thời gian tới. Sở Y tế đã ban hành các hướng dẫn cho F0 điều trị tại nhà, nhất là trong sử dụng thuốc Molnupiravir.
Tích cực hỗ trợ F0 điều trị tại nhà
Để các F0 yên tâm điều trị tại nhà và các cơ sở thu dung tại địa phương, ngành y tế cùng chính quyền địa phương, các đoàn thể đang cùng nhau tích cực chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân Covid-19. Cùng với việc cấp phát thuốc, hằng ngày các nhân viên y tế ở cơ sở hướng dẫn các F0 cách sử dụng thuốc, từ uống thuốc hạ sốt, vitamin C, thuốc ho đến đo nhịp tim, nồng độ oxy trong máu... Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Văn Đức cho biết, đầu giờ sáng, các F0 đang điều trị tại nhà cập nhật tình hình sức khỏe lên phần mềm, nhân viên y tế đánh giá thang điểm qua phần mềm, gọi điện thoại hỏi thăm và nắm bắt tình hình.
Các trường hợp F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà cũng được hướng dẫn ngủ phòng riêng, sử dụng nhà tắm riêng và dùng vật dụng sinh hoạt riêng để tránh lây lan Covid-19. Đồng thời, tổ hỗ trợ, theo dõi F0 điều trị tại nhà kiểm tra, theo dõi sức khỏe F0, kịp thời báo cáo cán bộ y tế phường những tình huống phát sinh như chuyển tầng đối với những trường hợp có triệu chứng nặng theo quy định. Tại Trạm Y tế lưu động số 3 của thị xã Sơn Tây, các lực lượng y, bác sĩ của thị xã, cán bộ trạm y tế xã và tổ tình nguyện viên là thành viên các cơ quan, tổ chức, đoàn thể như Công an, quân sự, phụ nữ, thanh niên... tham gia điều trị cho các F0 đang thu dung tại đây. Hằng ngày, nhân viên y tế theo dõi diễn tiến sức khỏe, cấp thuốc điều trị và nấu cơm ba bữa/ngày..., để các F0 yên tâm chữa bệnh.
Mới đây, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội đã triển khai mô hình “ATM oxy” tới toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn của Thủ đô. Anh Đỗ Chí, thành viên đội “ATM oxy” phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho biết: “Điện thoại của chúng tôi luôn mở 24/24 giờ, khi nhận được yêu cầu, chúng tôi lập tức đến trạm, nhận bình oxy chuyển đến nhà bệnh nhân, cùng nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời người bệnh đang gặp triệu chứng khó thở”. Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Nguyễn Đức Tiến cho biết, hiện hệ thống “ATM oxy” được trang bị 1.000 bình oxy loại 8 lít, 200 bình loại 40 lít, 800 đồng hồ, 50 máy oxy các loại 7 lít, 10 lít cùng 500 bộ chia oxy.
Bên cạnh đó, gần 12 nghìn đoàn viên thanh niên trên địa bàn tình nguyện tham gia tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại tất cả 579 xã, phường, thị trấn, như tham gia Tổ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, chuẩn bị cơ sở vật chất cho các trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung và túc trực tại các khu cách ly tập trung; hơn 7.400 tình nguyện viên tham gia điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm chủng. Sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể đã giúp các trường hợp F0 yên tâm điều trị tại nhà, sớm phục hồi sức khỏe, tránh quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, 108 cán bộ, công chức quận Tây Hồ đã tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các phường trên địa bàn. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Nguyễn Tiến Mạnh đảm nhiệm chức Tổ trưởng tổ cán bộ tăng cường hỗ trợ cơ sở tại phường Thụy Khuê, chia sẻ, lực lượng tình nguyện của quận có trách nhiệm cùng cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo các phường hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, kết nối nhóm Zalo của tổ dân phố để cập nhật trường hợp nghi mắc, tổ chức cách ly; phối hợp hỗ trợ công tác xét nghiệm, nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống của nhân dân... trên tinh thần bảo đảm “nhiệm vụ kép” vừa hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.
Trước diễn biến mới của dịch bệnh, Ban Thường vụ Quận đoàn Tây Hồ đã triển khai các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ điều trị các F0 tại nhà. Bí thư Quận đoàn Nguyễn Phương Dung cho biết: “Đoàn Thanh niên tám phường của quận đã cử các tình nguyện viên phối hợp 109 tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ chức chính trị-xã hội phường trực tiếp hỗ trợ tư vấn, chăm sóc và quản lý các ca mắc Covid-19 tại địa bàn dân cư”.
Tại quận Hoàng Mai, cán bộ phụ nữ, lực lượng thanh niên cũng tham gia “chia lửa” với lực lượng tuyến đầu ở cơ sở. Bí thư Quận đoàn Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế cơ sở; đồng thời động viên tinh thần cho các F0 đang điều trị tại nhà, Quận đoàn khẩn trương thành lập ba đội hình thanh niên tình nguyện với 150 đoàn viên thanh niên tham gia, gồm: Đội cập nhật dữ liệu trên phần mềm quản lý F0; đội tư vấn, chăm sóc điều trị F0 tại nhà và đội phản ứng nhanh, hỗ trợ người nhiễm Covid-19 cách ly tại nhà.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết, thực hiện chủ trương cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà, UBND huyện đã thành lập gần 200 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà với hơn 1.200 thành viên tham gia, trong đó có nhiều cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ cập nhật theo dõi sức khỏe, cũng như nhu cầu cấp thiết của người bệnh, tăng cường giám sát trường hợp F1. Ngoài ra, lực lượng này còn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, tham gia xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Minh Tú dương tính Covid-19, nuối tiếc không thể đi 'bão' mừng Hoa hậu Thùy Tiên về nước Ngày 9/1, Minh Tú thông báo trên trang cá nhân, cho biết cô vừa nhận kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 và đang cách ... |
Hải Phòng nâng cấp độ dịch COVID-19 lên mức cao nhất Ngày 8/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hải Phòng thông tin về cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn. |