Dở - hay hai tiếng “Đàn bà”
Cùng suy ngẫm 19/10/2022 10:22
“Đàn bà” là một từ thuần Việt. “Đàn bà” hiểu một cách khái quát là từ chỉ những người đã lớn, thuộc giới nữ. Đây là nghĩa từ vựng phổ biến mà có lẽ ai cũng biết. Và ai cũng biết từ Hán Việt tương ứng với từ “Đàn bà” là từ “Phụ nữ”. Tuy nhiên, xét về sắc thái ý nghĩa thì từ Hán Việt “Phụ nữ” mang vẻ trang trọng hơn. Bởi vậy, trong văn bản hành chính; tên cơ quan, tổ chức; những tiêu đề, khẩu hiệu nhằm kỉ niệm, tôn vinh, liên quan đến giới nữ, người ta thường dùng từ “Phụ nữ” chứ ít khi dùng từ “Đàn bà”. Ví như: Ngày Quốc tế Phụ nữ, Hội Phụ nữ, Báo Phụ nữ Việt Nam,… Còn từ “Đàn bà” lại thường được sử dụng nhiều trong khẩu ngữ, ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày.
Ảnh minh họa |
Vì là từ thuần Việt cho nên từ “Đàn bà” trong tiếng ta, ban đầu, vốn mang sắc thái trung tính, đơn giản chỉ là để phân biệt với “Đàn ông” và được dùng như là từ Hán Việt “Phụ nữ” sau này. Thậm chí, trong tinh thần đề cao quốc âm, quốc ngữ, lòng tự tôn dân tộc, tư tưởng tiến bộ, có khi người ta còn dùng từ “Đàn bà” thay thế cho từ “Phụ nữ”. Bằng chứng cho thấy là: Vào đầu thế kỉ XX, những tờ báo, tạp chí lớn ở nước ta như Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí có hẳn mục “Nhời đàn bà”, nhằm bước đầu thể hiện tiếng nói của nữ giới về vai trò, vị thế cũng như quyền lợi của mình trong xã hội.
Từ xa xưa, trong văn học Việt Nam, nhất là văn học dân gian và văn học viết bằng chữ Nôm, từ “đàn bà” không phải là hiếm gặp. Tục ngữ nước ta có câu: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” dùng để đúc kết kinh nghiệm về việc chọn vợ cũng như chọn hướng nhà. Đàn ông lấy vợ để sinh con đẻ cái, có người nối dõi tông đường, dĩ nhiên phải là lấy đàn bà rồi! Cái mà ông bà ta còn muốn nói, nhấn mạnh trong 2 tiếng “Đàn bà” ở đây là đức tính của người vợ phải là nữ tính, nghĩa là phải dịu dàng, thùy mị, nết na,... Đàn bà có khi còn được đề cao hơn cả đàn ông: Ba đồng một mớ đàn ông/ Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha/ Ba trăm một mụ đàn bà/ Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi (Ca dao).
Đến nay, hai tiếng “Đàn bà” vẫn còn được dùng nhiều trong ngôn ngữ nói, nhưng thường mang sắc thái âm tính, tỏ thái độ khinh miệt, xem thường nữ giới. Đây hẳn là dấu vết còn sót lại của quan niệm trọng nam khinh nữ. Hiện nay, ở đâu đó, chúng ta vẫn thấy cánh mày râu tỏ vẻ thị uy trước phụ nữ bằng những câu quen thuộc kiểu như: “Đàn bà con gái thì biết cái gì”, “Đàn bà thì làm được gì mà nói”, “Đàn bà chỉ giỏi nhiều chuyện”,... Và có khi, người ta còn dùng cả hai tiếng “Đàn bà” để chỉ những người đàn ông có tính tủn mủn, nhỏ nhen, hay thù vặt,…: “Cái đồ đàn bà!”. Dù hữu ý hay vô tình, ý thức hay vô thức thì những phát ngôn như vậy đều là biểu hiện định kiến giới lệch lạc, cổ hủ.
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như thể hiện tư tưởng tiến bộ về bình đẳng giới, thiết nghĩ, chúng ta không nên dùng hai tiếng “Đàn bà” với thái độ, ý nghĩa xem thường, định kiến không tốt. Là bởi, mỗi giới đều có một vị thế, vai trò nhất định, thậm chí không thể thay thế. Nói như Macxim Gorki: Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?.