Để xảy ra ổ lây nhiễm Covid-19, lãnh đạo Agribank Lâm Đồng có vô can?
Pháp luật - Bạn đọc 15/07/2021 08:46
Bất chấp quy định về phòng chống dịch
Theo nhiều người, lãnh đạo Agribank Lâm Đồng phải chịu trách nhiệm về hậu quả của sự lây nhiễm trên. Bởi, đang trong lúc TP Hồ Chí Minh là đại ổ dịch với số người nhiễm lên đến hàng trăm ca mỗi ngày (cuối tháng 6/2021, cao nhất nước) địa phương này phải áp dụng biện pháp giãn cách, theo Chỉ thị 10 của chính quyền thành phố. Vậy mà, vào thời điểm "nước sôi, lửa bòng" ấy Agribank Lâm Đồng lại đồng ý cho 3 người từ TP Hồ Chí Minh đến lắp thiết bị, cài đặt phần mềm, không phải qua cách li. Trong khi trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra chỉ thị "từ 8/6/2021 thực hiện cách li đối với những người đến từ địa bàn đang giãn cách xã hội". Hậu quả của việc không tuân thủ quy định là cả 3 nhân viên "xuất xứ" từ vùng dịch có triệu chứng ho mệt, đã uống thuốc mang theo không đỡ, qua xét nghiệm vào ngày 7/7/2021, họ dương tính với Covid-19!
Trụ sở Agribank Lâm Đồng bị phong tỏa |
Từ 3 ca nhiễm ngoại nhập ban đầu, những ngày sau, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng phát hiện thêm 2 ca dương tính nữa, đều là nhân viên Agribank Lâm Đồng, khiến từ tối 9/7/2021, chính quyền sở tại phải ban hành công văn hỏa tốc phong tỏa trụ sở của ngân hàng này và Phòng Giao dịch khu Hòa Bình Đà Lạt. Đồng thời, Sở Y tế tỉnh ra thông báo khẩn số 10, tìm người đến nhiều địa điểm tại TP Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng.
Cũng liên quan đến chùm ca bệnh đến từ TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phải “gồng mình” truy vết trắng đêm, đưa đi cách li tập trung gần 200 ca F1, truy vết 1.300 ca F2 cũng như tiến hành phun khử khuẩn tất cả những nơi bệnh nhân đến để phòng dịch. Không chỉ thế, chính quyền cũng phong tỏa Quốc lộ 27 và một số địa phương trên địa bàn huyện Đơn Dương phải thự hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16...
Phản ánh với nhà báo, một người dân Đà Lạt tỏ ra hết sức bức xúc: "Tại sao khi dịch bệnh gia tăng lại không cho lui thời gian lắp máy, cài đặt phần mềm? Đã thế cũng không cách li 3 người đến từ vùng dịch, để họ đi rất nhiều nơi reo giắc bệnh tật. Việc này ai phải chịu trách nhiệm? Đừng để sự vô trách nhiệm của lãnh đạo gây thiệt hại cho Nhà nước, cho xã hội và hàng ngàn người dân phải vạ lây, khổ sở, đảo lộn cuộc sống"!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ban đầu 3 kĩ thuật viên vi tính từ TP Hồ Chí Minh đi ô tô riêng đến Đà Lạt làm việc với Agribank Lâm Đồng và được lãnh đạo nơi đây liên hệ nghỉ tại một khách sạn. Tuy nhiên, khi biết khách đến từ vùng dịch nên cơ sở lưu trú này đã từ chối. Sau đó, một nam nhân viên Agribank Lâm Đồng tên Khánh được cử đưa 3 kĩ thuật viên xuống huyện Đơn Dương nghỉ tại một nhà nghỉ ở xã Lạc Lâm rồi hàng ngày đến cài đặt phần mềm cho chi nhánh Agribank (mới) tại đây cũng như tại TP Đà Lạt (theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Agribank Lâm Đồng). Xin nói thêm, chính nhân viên Khánh, người được cử đưa 3 kĩ thuật viên đi sau này cũng dương tính với Covid-19!
Luật pháp có được thực thi nghiêm minh?
Được biết, sáng 13/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Đơn Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác" xảy ra trên địa bàn, để điều tra, làm rõ hành vi liên quan chùm ca bệnh Covid-19 đến từ TP Hồ Chí Minh.
Đưa các F1 liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Agribank Lâm Đồng đi cách li tập trung (Ảnh: Thanhnien) |
"Tôi hi vọng vụ này cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm nghiêm, xử lí đến nơi đến chốn, không để sót người, lọt tội. Bởi, 3 nhân viên kĩ thuật vi tính từ TP Hồ Chí Minh có thể “lừa” được cán bộ trạm kiểm soát của tỉnh Lâm Đồng (họ không khai thật là đến từ vùng dịch?) nhưng không thể “lừa” được lãnh đạo Agribank Lâm Đồng. Chắc chắn, ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Agribank Lâm Đồng phải biết 3 đối tác này từ TP Hồ Chí Minh, tức vùng đang có dịch, lên làm việc với cơ quan mình. Và như thế, theo quy định họ phải bị đưa đi cách li tập trung, sau đó nếu âm tính mới được ra ngoài tác nghiệp. Vậy, tại sao ông Hòa lại bất chấp quy định để xảy ra hậu quả nghiêm trọng?" - Một cán bộ ngân hàng (xin giấy tên) thắc mắc.
Cũng theo người này, có sự "ẩu đả", thiếu trách nhiệm như thế phải chăng ông Hòa tin tưởng mình có "sân sau" vững chắc, hùng hậu là hàng loạt người thân đã và đang đảm nhận những chức vụ cao trong tỉnh?!.
Cần nhớ, cũng tại Lâm Đồng, chỉ cách đây một tuần, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bà Võ Thị Thảo, 46 tuổi, ngụ ở xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác". Bà Thảo đi từ Chợ Đầu mối Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh về huyện Đạ Tẻh nhưng khai báo không trung thực (nói là từ Gia Lai về) nên làm lây lan bệnh Covid-19 cho 5 người khác.
Vậy, người dân sai bị khởi tố, còn "quan" sai có khởi tố không? Theo Đại tá Phạm Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Đơn Dương, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mọi hành vi làm lây lan dịch bệnh xảy ra tại Agribank Lâm Đồng của những người có liên quan và sẽ tiếp tục các bước điều tra, khởi tố bị can theo quy định.
Chúng ta hãy chờ xem, vụ lây nhiễm này, pháp luật có được thực hiện nghiêm minh!
Nhà nước thất thu cả nghìn tỉ đồng!? |
Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu giải quyết đơn của bà Nguyễn Thị Tương |
Một vụ kiện, gần 6 năm, chưa xong xét xử! |