Chuyện về một liệt sĩ tiền bối
Văn hóa - Thể thao 26/09/2019 12:49
Cụ Bùi Tư Toàn sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, thân phụ là cụ cố Bùi Tư Thuận đỗ cử nhân năm 1903 nhưng không ra làm quan mà theo phong trào cần vương chống Pháp.
Tuổi trưởng thành, Bùi Tư Toàn noi gương cha tham gia tổ chức Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Lúc bấy giờ ở tổng Xuân Lũng (Lâm Thao) có tổ chức Quốc dân Đảng rất mạnh. Tại đây có cơ sở sản xuất vũ khí ở rừng Mả Cao. Cũng tại căn cứ này, nghĩa quân Quốc dân Đảng (gồm chi bộ Xuân Lũng, Cao Mại, Kinh Kệ) làm lễ thượng cờ tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái (tháng 2/1930)
Cuộc khởi nghĩa không thành công. Bùi Tư Toàn và các đồng chí của cụ bị thực dân Pháp bắt. Riêng tổng Xuân Lũng có 27 người bị bắt, 3 người bị tử hình là Đặng Văn Tiệp (Cai Tiệp); Đặng Văn Lương (Tài Lương) và Bùi Tư Toàn (Cả Toàn); 24 người bị kết án khổ sai đầy đi Côn Đảo và Guyam thuộc Pháp. Các cụ Đặng Văn Tiệp, Đặng Văn Lương cùng Nguyễn Thanh Thuyết bị hành quyết vào ngày 8/3/1930. Còn cụ Cả Toàn, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Công Chuẩn… thì bị đưa về giam ở Hoả Lò (Hà Nội), đến ngày 17/3/1930 mới bị hành quyết tại thị xã Yên Bái.
Một góc Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học và các liệt sĩ tại TP Yên Bái |
Theo Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh số 8 (428) ngày 9/3/1999: “Trước ngày xử một tuần, Pháp đưa máy chém từ Hoả Lò lên thị xã Yên Bái. Chiếc máy này đưa từ “mẫu quốc” sang bằng tàu thuỷ để hành quyết các chiến sĩ cách mạng. Người điều khiển máy chém là giám thị Cai Công và Cai Long ở Hoả Lò”.
Các nhà báo đương thời kể lại: “Các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng được đưa lên thị xã Yên Bái bằng đường tàu hoả rồi đưa ngay tới pháp trường, có khoảng 400 lính vây kín. Công chúng người Việt không đông, hoàn toàn im lặng, đau xót, thương tiếc và kính trọng những người yêu nước bị xử chém”.
Phút cuối cùng của liệt sĩ Bùi Tư Toàn khi bước lên máy chém hiên ngang như một anh hùng. Đúng 5h15’ ngày 17/3/1930, tên công sứ Debetline cùng 4 lính mang súng lưỡi lê tuốt trần và 2 lính tay không đưa các chiến sĩ ra pháp trường. Cai Công dẫn người đầu tiên là Bùi Tư Toàn đẩy vào tấm ván, kê đầu vào lỗ máy chém. Bùi Tư Toàn mới hô được hai tiếng “Việt Nam…” liền bị lính lê dương bịt miệng lại, rồi đao phủ giật lưỡi dao phập xuống. Người thứ 13 và cũng là cuối cùng lên máy chém hôm đó là Nguyễn Thái Học. Cụ hi sinh lúc 6h30’ sáng ngày 17/3/1930”.
Cụ Bùi Tư Toàn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ và Bằng Tổ quốc ghi công số 083C theo Quyết định 116/TTG ngày 9/5/1995. Thi hài liệt sĩ được chôn tập thể tại khu tưởng niệm tại TP Yên Bái. Cách đây 4 năm cháu chắt của cụ đã tới đây trồng cây lưu niệm, thắp hương tưởng nhớ với lòng thành kính, tự hào.
Ngày 7/4/2000, tên của liệt sĩ Bùi Tư Toàn được UBND Thành phố Hồ Chí Minh đặt cho một con đường dài khoảng 500m tại địa bàn quận Bình Tân (trước là thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh). Đây là một vinh dự lớn không chỉ cho gia đình liệt sĩ mà còn cho Nhân dân xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Thân mẫu của liệt sĩ là cụ Nguyễn Thị Liễu (1870 - 1933) được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Mẹ còn 3 người con nữa (2 gái và 1 rể) đều tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Hai người con gái là Bùi Thị Tít và Bùi Thị The đều bị Pháp bắt đi tù. Trở về, 2 bà đã mất và không có con.