Cần làm rõ quyết định thu nhà của luật sư Trịnh Đình Thảo
Pháp luật - Bạn đọc 09/11/2022 08:42
Nghi vấn từ một quyết định
Cho đến nay, đã gần 45 năm, kể từ ngày UBND TP Hồ Chí Minh ra Quyết định số: 1701/QĐ-UB ngày 19/12/1975 về việc tịch thu toàn bộ tài sản của nhà tư sản mại bản Trương Hy, trong đó có căn nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc sở hữu của luật sư Trịnh Đình Thảo (ông Trương Hy chỉ là người thuê nhà), không có ai là người thân của luật sư nhìn thấy quyết định này.
Nhiều người thắc mắc: Tại sao hàng chục năm tôi qua, UBND TP Hồ Chí Minh không công bố công khai cho người dân biết đã và đang lưu giữ Quyết định số: 1701/QĐ-UB? Ai là người kí Quyết định? Văn bản này tại sao lại “bí ẩn” đến vậy?
Quay trở lại ngày 26/6/1984, trong Văn bản số: 1596/UB do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Khải kí gửi báo cáo Văn phòng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ghi rõ: “Đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức quản líNhà nước ngôi nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3”.
Ngày 21/8/2020, ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng kí Văn bản số: 4085/BXD-TTr gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, ghi rõ: “Năm 1999 đã có Quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với căn nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa...”.
Sau khi sở hữu nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho xây cao ốc để bán. |
Tại Văn bản số: 623-CV/BNCTU ngày 25/11/2021 của Ban Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh về trả lời Thư yêu cầu xem xét lại Quyết định số: 1701/QĐ-UB của UBND TP Hồ Chí Minh nêu: “Ngày 7/12/1999, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số: 1205/QĐ-UB về việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 của cụ Trịnh Đình Thảo đứng chủ sở hữu từ năm 1939”.
Tuy nhiên, trong các Văn bản báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời kì trước đây, UBND TP Hồ Chí Minh lại khẳng định, Quyết định số: 1701/QĐ-UB như là một bằng chứng công nhận việc cơ quan Nhà nước đã xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ năm 1977? Trong khi thực tế mãi đến năm 1999, có nghĩa sau 22 năm (sau khi Quyết định số: 1701/QĐ-UB ban hành) nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa mới được xác lập quyền sở hữu Nhà nước.
Từ những Văn bản trên đây, có thể đặt câu hỏi, Quyết định số:1701QĐ-UB ngày 19/12/1977 của UBND TP Hồ Chí Minh ban hành thực chất có tồn tại? Và qua nhiều thập kỉ, Quyết định số: 1701/QĐ-UB được cho là cơ sở để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc “hợp thức hóa” nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của gia đình Luật sư Trịnh Đình Thảo, từ sở hữu tư nhân thành sở hữu Nhà nước - từ sở hữu Nhà nước thành sở hữu tư nhân? Và nay, nhà đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (!?).
Cách giải quyết thiếu thuyết phục
Lấy Quyết định số: 1701/QĐ-UB làm cơ sở, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã không xem xét, giải quyết trả lại nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho gia đình luật sư Trịnh Đình Thảo. Đặc biệt, cơ quan trực tiếp thu hồi và quản lí tài sản nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa là UBND TP Hồ Chí Minh gần như chỉ giải quyết sự việc bằng những văn bản mang tính “nửa vời”, trả lời cho có chuyện “Nhà nước thu hồi đúng”.
Cụ thể, tại Văn bản số: 1328/SXD-TT ngày 3/3/2009 của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh phúc đáp người dân liên quan đến nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa khẳng định: Mặt bằng số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 thuộc Bằng khoán điền thổ số 391 Sài Gòn - Độc Lập, lập bộ ngày 27/4/1932, di chuyển chủ quyền cho ông Trịnh Đình Thảo đứng bộ (Tờ lược giải số 3 ngày 4/3/1939). Năm 1965, ông Thảo cho ông Trương Hy và bà Âu Phụng Chí là tư sản mại bản thuê phần đất trên để xây chung cư cho Mỹ thuê trong 12 năm.
Văn bản số 1328/SXD-TT ngày 3/3/2009 của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, do gia đình ông Trịnh Đình Trí (con trai cụ Trịnh Đình Thảo) đã có chỗ ở nơi khác nên không giải quyết vụ việc... |
Ngày 12/7/1968, Tòa án quân sự Việt Nam Cộng hòa MT/LĐ/V3CT có Bản án số: 069 xét xử vắng mặt ông Trịnh Đình Thảo, tuyên: “Trịnh Đình Thảo phạm tội: Phản nghịch; âm mưu hành động ngụy danh hòa bình và trung lập theo chủ trương của Cộng sản. Vậy Tòa án tuyên án khiếm diện xử phạt y tử hình và truyền tịch thâu toàn thể tài sản của y” (trong đó có bất động sản số 391 khu Sài Gòn - Độc Lập, tức số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay).
Cũng theo văn bản này thì trước ngày 30/4/1975, ông bà Trương Hy trốn ra nước ngoài nên Ban Tuyên huấn Trung ương cục tiếp quản toàn bộ mặt bằng nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ngày 19/12/1977, lấy lí do đây là tài sản của nhà tư sản Trương Hy nên UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số: 1701/QĐ-UB thu hồi diện tích nhà đất trên.
Liên quan đến việc hỗ trợ, cải thiện chỗ ở, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng: Theo trình bày của ông Trịnh Đình Trí tại buổi làm việc ngày 11/12/2006, hiện nay gia đình ông Trí đang cư trú nơi khác tại quận Gò Vập, có diện tích khoảng 2.000m2. Do đó, căn cứ quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số: 755/2005/NQ-UBTVQH11 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trường hợp của ông Trịnh Đình Trí (con trai cụ Trịnh Đình Thảo) không đủ điều kiện để hỗ trợ, cải thiện chỗ ở.
Trong thư trả lời công dân, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng: Luật sư Trịnh Đình Thảo là người có công với đất nước. Tuy nhiên theo chính sách, pháp luật quy định, Sở Xây dựng không có quyền giải quyết yêu cầu của ông Trí được, mong ông Trí thông cảm (!). Điều này cũng đồng nghĩa là gia đình ông Trịnh Đình Trí đã có chỗ ở nơi khác nên chính quyền không giải quyết trả lại nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã thu???.
Trước đó, trong các Văn bản số: 3198/UB-PC ngày 30/5/2005 do ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kí; sau đó là Quyết định số: 2013/QĐ-UBND ngày 4/5/2007 do ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kí về việc: “Giải quyết khiếu nại của ông Trịnh Đình Trí” đều trích dẫn các loại văn bản quy định của pháp luật, trong đó có dựa theo căn cứ của Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ về chính sách quản lí và cải tạo XHCN đối với nhà, đất cho thuê tại các đô thị phía Nam.
Theo đó tại Khoản b, Điều 3, mục II: Đối với nhà đất vắng chủ đã quy định rõ: “Những người đi tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến khi trở về, Nhà nước sẽ xét từng trường hợp mà trả lại nhà cửa, tài sản cho họ”.
Và thậm chí sau này, tại Quyết định số: 1040/QĐ-BXD ngày 29/10/2009, do ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng kí giải quyết khiếu nại đòi nhà của con trai cụ Trịnh Đình Thảo khẳng định, nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa trước đây thuộc sở hữu của ông Trình Đình Thảo. Năm 1965, ông Thảo cho vợ chồng ông Trương Hy thuê thời hạn 12 năm, sau thời gian này, ông Hy phải giao toàn bộ tài sản cho ông Thảo... Năm 1968, ông Trịnh Đình Thảo tham gia cách mạng bị tòa án quân sự chế độ cũ xét xử tử hình vắng mặt và tịch thu lại toàn bộ tài sản, trong đó có nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Năm 1977, UBND TP Hồ Chí Minh ra Quyết định số: 1701 thu hồi tài sản 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa ...
Tuy nhiên, khi tiến hành giải quyết, cả UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng một mặt khẳng định tài sản này là do luật sư Trịnh Đình Thảo đứng tên; mặt khác lại bác đơn đòi lại nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ lúc cụ Trịnh Đình Thảo còn sống và các thế hệ con cháu về sau, khiến cho dư luận và gia đình luật sư Trịnh Đình Thảo vô cùng bức xúc.