Bao giờ mới trả lại nhà đất cho gia đình nhà cách mạng, cố Luật sư Trịnh Đình Thảo?
Pháp luật - Bạn đọc 23/07/2021 10:05
Tịch thu nhà của người ... thuê nhà (!?)
Ngày 19/12/1977, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1701/QĐ-UB “tịch thu tài sản của tư sản mại bản Trương Hy, trong đó có nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3 (gia đình ông Hy đã bỏ ra nước ngoài trước ngày 30/4/1975) là áp dụng hoàn toàn sai đối tượng, sai chủ thể sở hữu căn nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vì chủ sở hữu thực sự của căn nhà này từ năm 1939, chính là nhà cách mạng tiền bối, luật sư Trịnh Đình Thảo, tử tù của chế độ Mỹ- Ngụy.
Trong bản trích sao Sổ Điền thổ do Ban Quản lý đất đai, thuộc UBND TP Hồ Chí Minh ngày 11/6/1993, thể hiện rõ, người đứng bộ Tờ lược giải số 3, ngày 4/3/1939, thuộc về bất động sản số: 391 Sài Gòn - Độc Lập, tọa lạc tại số: 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lập bộ ngày 27/4/1932, di chuyển chủ quyền cho ông Trịnh Đình Thảo đứng bộ.
Sổ Điền thổ do Ban Quản lý đất đai, thuộc UBND TP Hồ Chí Minh ngày 11/6/1993 thể hiện rõ, người đứng bộ Tờ lược giải số 3, ngày 4/3/1939, thuộc về bất động sản số: 391 Sài Gòn - Độc Lập, tọa lạc tại số: 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lập bộ ngày 27/4/1932, di chuyển chủ quyền cho ông Trịnh Đình Thảo đứng bộ. |
Năm 1965, do hoạt động cách mạng, chống chính quyền Sài Gòn, luật sư Trịnh Đình Thảo buộc phải cho vợ chồng tư sản mại bản Trương Hy thuê căn nhà trên trong 12 năm, để chính quyền ngụy khỏi tịch thu nhà. Bản thân ông Thảo phải trốn lên chiến khu để tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày 12/7/1968, Toà án quân sự của chính quyền Sài Gòn đã có Bản án số 069- MT/LĐ/V3CT xét xử vắng mặt và tuyên án tử hình ông Trình Đình Thảo, tịch thu toàn bộ tài sản (trong đó có bất động sản số 391 khu Sài Gòn - Độc Lập, tức nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay).
Sau năm 1975, ông Trương Hy và bà Âu Phụng Chí trốn ra nước ngoài, căn nhà trên được Nhà nước quản lý. Năm 1977, UBND TP Hồ Chí Minh ra Quyết định số 1701/QĐ-UB tịch thu tài sản của ông Trương Hy (trong đó có nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Năm 1992, UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định chuyển giao quyền quản lý, sử dụng căn nhà trên cho UBND quận 5. Năm 1998, khu nhà được giao cho Công ty Xây dựng - Thương mại Sài Gòn 5 lập dự án đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng.
Hiện nay, nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại do Công ty cổ phần địa ốc Kỷ Nguyên làm chủ đầu tư, thực hiện dự án “Khu chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ”.
Đáng lẽ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, căn nhà trên phải được Nhà nước hoàn trả lại cho chủ sở hữu là ông Trịnh Đình Thảo. Nhưng UBND TP Hồ Chí Minh lại áp đặt căn nhà trên là của tư sản mại bản Trương Hy, thuộc diện “nhà vắng chủ” và tịch thu để nhà nước quản lý. Trong khi ông Trương Hy chỉ là người thuê căn nhà trên của Luật sư Trịnh Đình Thảo để kinh doanh.
Việc áp đặt căn nhà của luật sư Trịnh Đình Thảo thành nhà của tư sản mại bản Trương Hy là không đúng đối tượng, dùng thủ pháp “đánh tráo” chủ thể sở hữu căn nhà, để qua đó tước đoạt quyền thừa kế hợp pháp của những người trong gia đình nhà cách mạng tiền bối, cố Luật sư Trịnh Đình Thảo. Từ đây, dẫn tới hàng loạt vi phạm nghiêm trọng sau này, khiến vụ đòi nhà kéo dài nhiều thập kỷ vẫn chưa có hồi kết.
Cần hủy bỏ Quyết định số 1701-QĐ/UB của UBND TP Hồ Chí Minh
Ngày 9/9/1989, Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ban hành Chỉ thị số 239-CT. Tại chỉ thị này, quy định rất rõ “Trường hợp đặc biệt xét trả lại nhà cho tư nhân, Chủ tịch UBND tỉnh và tương đương bàn với Bộ Xây dựng trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét quyết định”.
Hiện nay nhà đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã lọt vào tay tư nhân là Công ty cổ phần địa ốc Kỷ Nguyên |
Ngày 12/10/1990, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 04-BXD/XDCB/DT hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 239-CT nói trên. Theo đó, Thông tư 04 của Bộ Xây dựng cũng quy định cụ thể những “trường hợp đặc biệt”:… “Chủ nhà đi tham gia cách mạng, do yêu cầu công tác phải vắng mặt ở địa phương, nhà cửa bị chính quyền địa phương quản lý theo diện “nhà vắng chủ”. Đến nay, đã được Chủ tịch UBND tỉnh xác nhận nguyên nhân chủ nhà vắng mặt đúng với lý do nêu ở trên thì được trả lại nhà”. Thế nhưng, trong suốt nhiều năm liền, luật sư Trịnh Đình Thảo vẫn không được UBND TP Hồ Chí Minh trả lại nhà số 192, như Chỉ thị 239 và Thông tư 04 quy định.
Mặc dù các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ như: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (11/10/1993), Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (31/3/2011) và đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/6/2013) đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết có lý, có tình đối với gia đình cố luật sư Trịnh Đình Thảo. Song, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn nhất định bảo lưu quan điểm trái ngược với các quy định của Nhà nước, cương quyết bác đơn xin đòi lại nhà, đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của gia đình nhà cách mạng tiền bối, cố Luật sư Trịnh Đình Thảo.
Việc UBND TP Hồ Chí Minh xác định sai đối tượng chủ sở hữu, rồi ban hành Quyết định số 1701/QĐ-UB “tịch thu nhà số 192 NKKN” của luật sư Trịnh Đình Thảo, nhưng ghi hoàn toàn sai sự thật là nhà của tư sản mại bản Trương Hy. Việc làm này là trái với Quyết định số 111/CP, ngày 14/4/1977 của Chủ tịch Hội đồng Chính phủ và Chỉ thị số 239-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Do đó cần phải được Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chức năng xem xét, hủy bỏ trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Dư luận cho rằng, trường hợp nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của nhà cách mạng tiền bối, luật sư Trịnh Đình Thảo, vì tham gia cách mạng nên đã bị chính quyền Sài Gòn tuyên án xử tử hình vắng mặt và tịch thu nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa... Ông Thảo phải thoát ly vào chiến khu để hoạt động, góp công sức lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lẽ ra, căn nhà mà ông là chủ sở hữu từ năm 1939, phải được xem xét thuộc “trường hợp đặc biệt” để trả lại theo quy định tại Chỉ thị 239-CT. Ngược lại UBND TP Hồ Chí Minh lại ra Quyết định số 1701-QĐ/UB “tịch thu nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của Trương Hy…”, biến nhà của nhà lão thành cách mạng, có công với đất nước, trở thành nhà công sản. Và sau đó, từ nhà công sản lại chuyển thành tài sản tư nhân thuộc sở hữu của Công ty cổ phần địa ốc Kỷ Nguyên, tại dự án “khu chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ” mang tên “Sherwood Suites” là không “thấu tình, đạt lý”.
Nhà cách mạng tiền bối, cố luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986) rất nổi tiếng và có công lao to lớn với cách mạng nước ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông nguyên là Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa Bình Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Đại biểu Quốc hội khóa VI. Tên ông đã được đặt cho một con đường ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Sau năm 1975, Luật sư Trịnh Đình Thảo đã có kiến nghị trả lại nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sau khi ông mất, đến con trai là bác sĩ Trịnh Đình Trí và giờ đây là cháu nội ông Thảo liên tục gửi đơn đòi lại nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa để ổn định cuộc sống. Nhưng hơn 40 năm qua chính quyền TP Hồ Chí Minh vẫn không trả lại nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho gia đình cố luật sư, gây bức xúc cho dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến quá trình thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với những gia đình có công với cách mạng. |
Ngày mới Online sẽ tiếp tục vào các kỳ tiếp theo!